CÁC GIẢI PHÁP KIẾN TRÚC THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

07-03-2024

Các giải pháp liên quan đến kiến trúc nhằm thích ứng với BĐKH

Việt Nam với mục tiêu net-zero vào năm 2050 cũng đã xây dựng các kế hoạch có liên quan phù hợp Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Các xu hướng nghiên cứu và phát triển kiến trúc xanh, công trình xanh ngày càng được chú trọng. Điều này giúp hạn chế những tác động của thời tiết cực đoan, đồng thời giảm hiệu ứng nhà kính. Vấn đề BĐKH là vấn đề toàn cầu và liên quan đến nhiều lĩnh vực, hoạt động, vì vậy cần có các giải pháp đồng bộ liên quan đến kiến trúc để nhằm thích ứng với BĐKH.

Giải pháp chính sách, quản lý:

  • Các cơ quan quản lý cần ban hành các Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong thiết kế công trình xây dựng chú trọng đến sử dụng năng lượng hiệu quả với mục tiêu giảm thiểu tiêu thụ năng lượng trong công trình, giảm khí carbon;
  • Lựa chọn tiêu chí đánh giá Kiến trúc xanh, công trình xanh phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Giải pháp kiến trúc quy hoạch:

  • Các nhà quy hoạch cũng cần dựa trên các kịch bản BĐKH, các báo cáo theo dõi quan trắc khí hậu, các nghiên cứu dự báo về rủi ro thiên tai tại điểm dân cư, đô thị để điều chỉnh các phương án quy hoạch nhằm hạn chế những mối nguy hiểm như: ngập lụt, sạt lở đất, lốc xoáy, mưa lớn, mưa đá, nhiệt độ gia tăng…;
  • Với các đô thị ven biển và đồng bằng sông Cửu Long cần vạch ra các chiến lược về thiết kế công trình để giảm tác động ảnh hưởng của các cơn bão ở vùng biển và ven biển. Giải pháp thích ứng với mực nước biển dâng và ngập lụt bằng cách xây dựng cấu trúc cọc để nâng các tòa nhà và thiết kế vững chắc nền móng có thể chịu được các tác động của lũ lụt;
  • Với các đô thị thường xuyên xẩy ra lũ lụt cần có các thiết kế kiến trúc theo hướng linh hoạt để có thể đối phó trong các trường hợp khẩn cấp. Các nhà văn hóa, các công trình sinh hoạt cộng đồng… nên được xây dựng trên các khu vực cao để có thể chuyển đổi thành các điểm di dân lánh nạn tạm thời khi có lũ lụt. Các kiến trúc nhà ở nhỏ cũng có các điều chỉnh để người dân có thể tự bảo vệ bản thân và gia đình ngay tức thời trong trường hợp khẩn cấp;
  • Giải pháp hình khối công trình cũng cần nghiên cứu để tạo nhiều bóng đổ trên mặt đứng, có tác dụng như những kết cấu chắn nắng, giảm thiểu các hiệu ứng hấp thụ nhiệt. Vận dụng các nguyên lý về khí động học trong tạo hình khối để giảm áp lực gió lên các tòa nhà, hạn chế tác động gió bão, giảm chi phí cho các giải pháp kết cấu, nền móng của công trình;
  • Việc thiết kế các bộ phận trong công trình kiến trúc cũng có tác động không nhỏ đến vấn đề thích ứng và giảm thiểu ảnh hưởng của BĐKH. Mái các nhà cao tầng cũng như công trình trong các khu vực chịu ảnh hưởng của gió bão cần nghiên cứu thiết kế cấu trúc mái phù hợp, hạn chế hiện tượng bốc mái do chênh lệch áp suất giữa mặt trên và mặt dưới mái, có khả năng làm tán xạ ảnh hưởng áp lực của gió. Sử dụng các chi tiết lam che nắng ngoài nhà theo chiều ngang hoặc chiều dọc. Hiện nay, một số công trình kiến trúc hiện đại còn gắn các lam này trên hệ khung có khả năng điều chỉnh góc nghiêng theo vị trí mặt trời trong ngày để tăng hiệu quả sử dụng. Hạn chế sử dụng kính, nhất là đối với các quốc gia có khí hậu nóng như Việt Nam;
  • Ứng dụng các thiết kế thụ động giảm sự biến đổi nhiệt độ bên trong công trình nhưng vẫn đảm bảo thông thoáng gió phù hợp.
    Giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng:
  • Thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng nhiều công nghệ mới, vật liệu “xanh” trong xây dựng theo hướng thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí vận hành, duy tu bảo dưỡng. Thay thế dần các chủng loại vật liệu hấp thụ nhiệt thấp, để giảm nhiệt độ bề mặt công trình cũng như giảm sự bức xạ nhiệt ra các vùng không khí xung quanh;
  • Ứng dụng các giải pháp quản lý vận hành công trình thông minh như BMS (Building Management System) nhằm tiết kiệm năng lượng, phát hiện nhanh các lỗi gây lãng phí, thất thoát năng lượng;
  • Sử dụng các trang thiết bị công trình ít tiêu hao năng lượng như: đèn Led, quạt trần thay thế cho ĐHKK, thiết bị vệ sinh giảm lượng nước xả khi sử dụng…;

Giải pháp thiết kế kiến trúc sử dụng không gian “xanh”:

  • Tích cực trồng cây hoặc các mảng tường cây xanh trong mọi không gian có thể trong công trình. Việc trồng cây trên mái và các tầng nhà, sử dụng vườn “treo” trên các mặt tường công trình, sử dụng cây trong nội thất… cũng là giải pháp hữu hiệu vừa tăng cường cách nhiệt, chống tác động bức xạ nhiệt, vừa tạo môi trường tự nhiên trong công trình;
  • Thiết kế kiến trúc theo hướng tận dụng tối đa thông gió và chiếu sáng tự nhiên, để cải thiện môi trường vi khí hậu, giảm thiểu việc tiêu tốn năng lượng nhân tạo cho chiếu sáng và làm mát công trình. Giảm thiểu chất thải, ô nhiễm và những nguyên nhân làm suy thoái môi trường.

Tiết kiệm tài nguyên và khai thác năng lượng tái tạo

  • Ứng dụng các giải pháp thu gom và lọc nước trên các tòa nhà để tái sử dụng cũng sẽ làm giảm lượng nước dồn xuống hạ tầng khi có mưa lũ lớn trong đô thị;
  • – Các phương pháp tận dụng năng lượng gió như lắp máy phát điện ở trên cùng hoặc giữa các tòa nhà để khai thác những cơn gió tiềm ẩn nguy hiểm thành nguồn năng lượng cũng đang trở nên phổ biến gần đây. Ví dụ: Trung tâm Thương mại Thế giới ở Bahrain đã lắp đặt tuabin gió giữa hai tòa nhà để tạo ra năng lượng từ gió mạnh thổi ở độ cao 240m, có thể tạo ra khoảng khoảng 15% tổng năng lượng điện của tòa nhà.
  • – Lắp đặt các hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời trên mái hoặc dùng thay các tấm che chắn nắng cho công trình để cung cấp thêm điện năng cho công trình.
    Giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức
  • – Ngoài các giải pháp thiết kế kiến trúc, để cộng đồng cùng nỗ lực chung tay đối phó với BĐKH là rất cần thiết. Vì vậy rất cần liên tục tuyên truyền để nâng cao nhận thức từ các nhà quản lý, người thiết kế, nhà sản xuất cho đến người sử dụng. Bên cạnh các Hội thảo, NCKH… về vấn đề BĐKH, thì các Giải thưởng Spec Go Green do Hội KTS Việt Nam tổ chức trao giải cho các tác giả, tác phẩm có công trình đáp ứng tiêu chí của hội đồng; Giải thưởng Kiến trúc Xanh cho sinh viên kiến trúc… cũng góp phần định hướng, khích lệ cho các thiết kế thích ứng BĐKH.

 

Bài viết khác