Nhiều đồ án của SV ngành nghệ thuật có giá trị ứng dụng nhưng đang bị "xếp xó"

03-11-2022

Xây dựng thư viện số - bảo tàng ảo trong đào tạo nghệ thuật

Ngày 06/10, tại Huế, Trường Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế phối hợp với câu lạc bộ Khối đào tạo giáo viên nghệ thuật, câu lạc bộ Khối trường Mỹ thuật Ứng dụng tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc chủ đề: “Đào tạo Nghệ thuật trong tiến trình hội nhập và phát triển hiện nay”.

Sau khi lắng nghe một số tham luận, các chuyên gia đã bày tỏ những mối quan tâm đến nhiều nội dung khác nhau.Chuyên gia Hoàng Dũng - Tổng Giám đốc công ty Tích hợp và Chuyển giao công nghệ số đề cập: “Liên chi hội Các Thư viện đại học khu vực phía Bắc hiện đang phối hợp với Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam xây dựng mô hình thư viện số dùng chung, chia sẻ các tài nguyên số dùng chung giữa các trường đại học với nhau.

Tôi xin có một số ý kiến liên quan đến vai trò của thư viện trong khối ngành văn hóa nghệ thuật, đặc biệt về mỹ thuật.

Trước nay, thư viện phục vụ công tác học tập và giảng dạy. Tuy nhiên, đến giai đoạn này, trên thế giới, rất nhiều nơi chuyển sang thư viện là không gian học tập chung, tức là thư viện không chỉ là nơi có sách, đến đọc sách nữa, mà là nơi tất cả học sinh, sinh viên có thể đến để trao đổi, nghiên cứu, đến để hội họp.

Đặc biệt, trong khối ngành mỹ thuật, nghệ thuật biểu diễn, sẽ liên quan rất nhiều đến các khu trưng bày triển lãm nghệ thuật.

Nhiều đồ án của SV ngành nghệ thuật có giá trị ứng dụng nhưng đang bị "xếp xó" ảnh 2

Chuyên gia Hoàng Dũng đề cập nên xây dựng hệ thống thư viện số dùng chung tài nguyên trong lĩnh vực nghệ thuật. (Ảnh: Ngân Chi).

Liên chi hội Các Thư viện đại học khu vực phía Bắc hiện đang khuyến nghị các trường đại học cân nhắc trong câu chuyện đẩy vai trò của thư viện trở thành không gian học tập chung, theo đúng mô hình thư viện của các nước trên thế giới hiện nay.

Thứ hai, câu chuyện liên quan đến tài nguyên số. Có một điểm rất thú vị, bình thường, trong các thư viện khác, các bản tài liệu, đặc biệt ở khối ngành khoa học, đôi khi, sau 10-20 năm, có thể bị lỗi thời và gần như không có giá trị lắm trong sử dụng.

Trong khi đó, đối với khối ngành nghệ thuật, những bản nhạc được sáng tác có khi đến hàng trăm năm thì đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục được sử dụng. Và tranh ảnh, hội họa cũng tương tự.

Vậy, tài nguyên số - tài nguyên tri thức trong ngành nghệ thuật có giá trị rất lớn và có tính chất đặc thù so với tài nguyên ở các lĩnh vực khác.

Tại sao chúng ta không lưu trữ lại, số hóa, để sử dụng, đưa tài nguyên đó tiếp cận một cách nhanh nhất, dễ dàng nhất đối với giảng viên, cũng như sinh viên, trong thời buổi có công nghệ thông tin với nhiều thiết bị điện tử cá nhân?.

Trong phần tham luận của Tiến sĩ Phạm Phương Linh (Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) có nhắc đến một trong những lý do chúng ta không thuyết phục được phụ huynh cho con đi học theo ngành này, vì họ chưa biết rõ, sau khi ra trường sẽ làm gì, vẫn còn quá mơ hồ... Vậy sao không sử dụng chính những tài nguyên đang có, tạo một bảo tàng ảo về tranh ảnh, một bảo tàng ảo về âm nhạc, về hội họa,... để không chỉ giảng viên, sinh viên ngành nghệ thuật mà ngay cả những người “ngoại đạo” cũng có thể tiếp cận, có thể biết được những tác phẩm đầu ra của sinh viên, đây là những công trình nghiên cứu mang tính chất thực tiễn.

Bên cạnh đó, chúng ta có câu lạc bộ Khối trường Mỹ thuật Ứng dụng nên tôi đề xuất ý tưởng thành lập một trung tâm tri thức số dùng chung các tác phẩm hay các tài nguyên số của các trường trong câu lạc bộ.

Từ đó, tất cả các tác phẩm, đồ án... các trường có thể chia sẻ cho nhau, vừa giúp gộp lại thành một nguồn tri thức chung, vừa quảng bá ra bên ngoài phục vụ cho việc học tập, cho tri thức của khối ngành nghệ thuật” - chuyên gia Hoàng Dũng phân tích thêm.

“Chúng ta đang quá lãng phí chất xám của sinh viên!”

Tiếp nối ý kiến về thư viện số, Thạc sĩ Trần Thanh Bình - Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ Khối trường Mỹ thuật Ứng dụng bày tỏ: “Qua kinh nghiệm đi dạy nhiều năm ở nhiều trường, tôi nhận thấy ở khối ngành nghệ thuật có hai vấn đề đang tồn tại song song.

Thứ nhất, chúng ta đang quá lãng phí chất xám của sinh viên, thông qua các đề tài, các đồ án tốt nghiệp. Bởi vì có rất nhiều đồ án tốt nghiệp có giá trị thẩm mỹ, giá trị ứng dụng rất cao, nhưng rồi, sau khi chấm xong thì lại bị “xếp xó”, không được quảng bá, không được ứng dụng, không được trở thành sản phẩm, không được chào bán...

Điều này hơi nghịch lý với ngành nghệ thuật ứng dụng. Vì vậy, chúng ta phải bàn, làm sao cho đề tài tốt nghiệp của sinh viên phải ứng dụng được phải là đề tài thực sự gắn với doanh nghiệp, như thế mới có cơ hội phát triển.

Một vấn đề nữa, đó là “nạn coppy” - sao chép ý tưởng của người khác cho đồ họa. Đây cũng là một nguy cơ. Do đó, tôi thường cho sinh viên làm cam đoan tự chịu trách nhiệm, công khai trên hệ thống công cộng nên tôi thấy ý tưởng số hóa thư viện, tài nguyên trong lĩnh vực nghệ thuật rất hay!

Chúng ta chưa bao giờ nghĩ đến vấn đề số hóa dữ liệu mỹ thuật ứng dụng. Cả một giá trị khổng lồ về thẩm mỹ, về nghệ thuật, về thiết kế, về sáng tạo... gần như không có cơ hội giao lưu, trao đổi với nhau.

Có một điều khiến tôi rất trăn trở: Trước đây, Cục Nhiếp ảnh và Mỹ thuật (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tổ chức triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc 5 năm một lần, mà chỉ mỗi Hà Nội xem, sau đó cũng không ai xem. Mấy năm trước, tôi có góp ý: Thời đại này mà chỉ áp dụng duy nhất một kiểu triển lãm truyền thống như thế này, trong khi bây giờ người ta đã áp dụng triển lãm ảo, số hóa, đẩy lên không gian mạng, để ai cũng có thể xem được..., thì cũng ta đang luẩn quẩn với tư duy “không hề 4.0”.

Mà có lẽ, không chỉ dành riêng cho ngành thư viện, mà đây là một vấn đề lớn, cần ứng dụng rộng rãi” - Thạc sĩ Trần Thanh Bình nhấn mạnh.

Bài viết khác