Những Cuốn Sách Mỹ Thuật Đáng Đọc Nhất - P2

18-10-2022

6. Van Gogh – Tiểu Sử Và Cuộc Đời – Nhiều Tác Giả

Van Gogh - Tiểu Sử Và Cuộc Đời

Một cuốn tiểu sử đào sâu bậc nhất về Van Gogh.

Vincent Van Gogh – một thiên tài, nhà họa sắc và là một họa sĩ có sự nghiệp nghệ thuật ngắn ngủi nhưng để lại ảnh hưởng lớn đến công chúng và giới hoạt động nghệ thuật hậu hiện đại và đương đại – qua bàn tay của cặp đôi tiểu sử gia tài năng Naifeh và Smith đã được hiện lên trước mắt bạn đọc từ nhiều mảnh ghép của cuộc sống và những giai đoạn thăng trầm khác nhau của cuộc đời anh.

Cuốn tiểu sử được nghiên cứu, hoàn thiện trong quá trình 10 năm của một cặp tiểu sử gia Steven Naifeh, Gregory White Smith đã gắn bó và cộng tác, cống hiến với tình yêu nghệ thuật nhiều năm qua. Quá trình nghiên cứu của họ dựa vào rất nhiều tư liệu, tài liệu đã có cũng như chưa từng được khai thác một cách rộng rãi về cuộc đời và tiểu sử Van Gogh. 

Song song với 10 năm của họ là dự án Tập hợp các lá thư của Bảo tàng Van Gogh, từ đó giúp cho hai tác giả có cái nhìn toàn diện hơn, những kiến giải đa màu sắc hơn về “huyền thoại Van Gogh” vốn đã được lan truyền từ trước đến nay.

7. Mùa Nắng Phai – Nguyễn Quốc Dũng

Mùa Nắng Phai

Cái khác lạ dễ nhận ra nhất ở cuốn sách ảnh Mùa Nắng Phai đó là chất hội họa bảng lảng trong từng tác phẩm.

Nguyễn Quốc Dũng vốn là người vẽ, đi học vẽ, hành nghề vẽ, có nhiều triển lãm tranh riêng chung trong ngoài nước. Có thời gian dài làm hội họa rồi mới “bỗng dưng” chuyển “gam” sang nhiếp ảnh. Thế nên cũng là dễ hiểu khi đằng sau người chụp luôn có bóng hình người vẽ.

Chất hội họa trong ảnh của tác giả nói chính xác phải là chất đồ họa. Tức là thiên về mảng phẳng, ít chi tiết, bố cục khúc chiết gồm 2 hoặc 3 miếng lớn, vuông bằng sổ thẳng. Ví dụ một (hoặc một nhóm) nhân vật đứng trước một cái nền nào đó, có thể là bức tường, có thể là cánh đồng, mặt ao hoặc cơn mưa…

Nhiếp ảnh chỉ có hai con đường, một là nhiếp ảnh báo chí, hai là nhiếp ảnh nghệ thuật. Với nhiếp ảnh báo chí thì quan trọng nhất là chụp gì chứ không phải chụp thế nào. Tức là nội dung quan trọng hơn hình thức. 

Ngược lại ảnh nghệ thuật thì hình thức quan trọng hơn nội dung, cách chụp quan trọng hơn đối tượng được chụp. Nói cách khác, với ảnh nghệ thuật thì màu, bố cục, ánh sáng, đậm nhạt… là chính. Vì vậy mà ảnh nghệ thuật gần hội họa. Bởi vì hội họa chính là hình thức, nhân vật kỹ sư được vẽ ra sao chứ không phải bức tranh anh kỹ sư thì hay hơn bức tranh bác nông dân.

Trong những tác phẩm của mình, tác giả cũng hiểu điều này nhưng anh ấy vẫn muốn “tham lam”, vẫn muốn làm cả hai, cả hình thức và nội dung. Cho nên cái nội dung – áo dài được chọn là đề tài xuyên suốt. 

Mùa Nắng Phai, một cái tên gợi không thôi, những cô gái mặc áo dài cũ, yếm váy đụp cũ trên một bối cảnh cũ, nhà Bắc Bộ 3 gian 2 chái, cầu ao đá, giếng chùa, cổng làng, ao bèo; những vẻ đẹp cũ, không khí cũ yên bình, mùa nắng cũ hay mùa của thời gian đã qua… 

Hóa ra phong cảnh làng quê, những cô gái trẻ đẹp nõn nà, những lụa bạch, yếm phai, những cơn mưa, những đồng lúa, những ao bèo, những ánh sáng bóng tối, những thân phận, những nỗi niềm… cũng chỉ là nguyên liệu để tác giả làm mình, làm Mùa Nắng Phai của riêng mình.

8. Hành Trình Đông A – Trần Tuyết Hàn

Hành Trình Đông A

“Ngày thơ ấu, mới biết cầm bút tôi thích vẽ, sau này học văn tôi lại thích viết. Khi gia đình tôi có cơ duyên sở hữu một căn nhà cổ, tôi lại say mê những họa tiết cũ xưa tinh tế và mê hoặc. Mỗi khi ngắm nhìn những cột kèo, xà nhà, tôi lại tự hỏi những họa tiết ấy đến từ đâu, có hàm nghĩa gì, làm sao người xưa khéo tay như vậy? Lịch sử và văn hóa bắt đầu lôi cuốn tôi theo cách giản dị như thế.

Hằng ngày đi qua những con đường mang tên các vị anh hùng, các danh nhân văn hóa, các địa danh vẻ vang suốt ngàn năm lịch sử, ngước mắt ngắm nhìn khoảng trời bình yên trên vùng đất tiền nhân đã xây dựng và gìn giữ, tôi càng khao khát muốn tìm hiểu sâu hơn cội nguồn văn hóa của đất nước mình.

Với tất cả những khát khao và thôi thúc ấy, tôi đã ấp ủ dự án viết và vẽ Hành trình Đông A. Đây là cơ hội để tôi được đi ngược thời gian, đắm mình vào một thời đại rực rỡ gần tám thế kỉ trước. 

Phát triển từ đồ án tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật của tôi, quyển sách mỹ thuật này là tâm huyết, là ước mơ chia sẻ tình yêu và niềm tự hào về văn hóa, con người Việt Nam đến các bạn cùng thế hệ và tất cả những ai yêu mến lịch sử dân tộc.

9. Đây Là Leonardo Da Vinci – Joost Keizer

Đây Là Leonardo Da Vinci

Leonardo da Vinci là một nhà bác học, một con người đa tài mà ngày nay chúng ta thường gọi là “con người Phục Hưng”. Có lúc ông chế tạo khí cụ quân sự, có lúc lại thiết kế công trình xây dựng, và có lúc thì vẽ tranh. 

Mối quan tâm của ông trải dài từ thực vật học, truyện ngụ ngôn truyền thuyết, cho tới quá trình thai nghén và sinh con. Nhưng ông nói rằng hội họa luôn là mối quan tâm chính yếu của mình. Đối với ông, nhịp điệu của thế giới được xác định bởi hội họa và bởi thị giác: “Người họa sĩ có cả vũ trụ trong tâm trí và bàn tay mình.”

Đây là Leonardo da Vinci kể về cuộc đời của thiên tài toàn năng này, theo diễn biến thời gian, từ đứa con ngoài giá thú ở xứ Vinci, đến khi lớn lên theo cha và mẹ kế đến Florence, rồi học việc tại xưởng vẽ của họa sĩ tài danh nhất tại đây – Andrea del Verrocchio. 

Khi đạt được những thành công nhất định, Leonardo rời Florence đến Milan, rồi từ đó, ông sống cuộc sống nay đây mai đó, di chuyển qua lại giữa các cung điện ở những thành quốc dọc theo bán đảo Italy. Trong bối cảnh chính trị phức tạp và liên tục thay đổi lúc bấy giờ, người đọc có thể cảm thấy ngạc nhiên vì Leonardo không hề cho thấy ông có bất kỳ lý tưởng chính trị nào.

Tất cả những sự kiện quan trọng trong cuộc đời Leonardo, những mối quan hệ ảnh hưởng lớn đến thiên tài vĩ đại này đều được thuật lại một cách đầy đủ và hấp dẫn thông qua lời kể ngắn gọn và những minh họa sống động.

Trong cuốn sách mỹ thuật này, những tác phẩm quan trọng và nổi tiếng của Leonardo da Vinci cũng được giới thiệu một cách đầy đủ về quá trình, mục đích sáng tác, nội dung cũng như những thay đổi về kỹ thuật hội họa: từ bức Chúa Jesus rửa tội do Andrea del Verrocchio vẽ chính và Leonardo da Vinci vẽ phụ, cho đến Bữa tiệc ly, Mona Lisa, Người Vitruvius…

10. Màu Sắc Và Phương Pháp Sử Dụng – Uyên Huy

Sách hay về mỹ thuật

“Trong mỹ thuật không có màu này đẹp, màu kia xấu mà chỉ có hòa sắc đẹp hay xấu mà thôi. Tìm ra một hòa sắc đẹp mà ít màu thì khó hơn một hòa sắc đẹp mà nhiều màu.

Muốn có hòa sắc đẹp, trước hết chủ thể sáng tạo phải có thị hiếu, sự cảm thụ tốt về màu.

Vậy làm cách nào để nhìn và phát hiện nghệ thuật phối hợp màu sắc, để từ đó làm nền tảng lý luận cho phối hợp màu sắc?

Chúng ta nên biết rằng: cho dù bên trong một tác phẩm mỹ thuật hai chiều, ba chiều hay môi trường có đến vài ngàn hoặc một triệu  màu đi nữa thị tựu trung chúng chỉ có ba loại màu mà thôi. Đó là: màu nền (màu chủ đạo), màu nhấn và các màu giữ vai trò tạo sự liên kết giữa màu nền và các màu nhấn.

Ngoài việc chọn gam màu hợp với ý tưởng, đề tài, chủ đề, mục đích gây ấn tượng thì nghệ thuật phối hợp màu sắc tốt chính là nghệ thuật xử lý tốt mối quan hệ hình thức, sự tương tác tốt giữa ba loại màu này; tinh tế hơn nữa là còn dựa vào thủ pháp, kỹ thuật diễn tả.”

Bài viết khác