7 quyển sách hay về tác phẩm nghệ thuật cho độc giả những kiến thức bao quát

17-03-2022

Khoa KT&MTUD xin gửi đến những cuốn sách nghệ thuật độc đáo và thú vị. Người đọc sẽ có một cái nhìn rõ ràng và có lẽ sẽ phần nào được cắt nghĩa rằng, khái niệm về nghệ phẩm và nghệ thuật, theo thời gian, đã phát triển để không chỉ còn là một khái niệm thuộc về cái Đẹp, khơi gợi thẩm mỹ, mà còn là một công cụ nhận thức, qua đó, phản chiếu các biến cố, các thông điệp xã hội, chính trị của nghệ sĩ.

Câu Chuyện Nghệ Thuật


Câu chuyện nghệ thuật – cẩm nang về các trào lưu, các tác phẩm, chủ đề và kĩ thuật chính yếu trong nghệ thuật.

Cuốn sách là một bước dạo đầu mới lạ vào chủ đề nghệ thuật. Với kết cấu đơn giản, cuốn sách này điểm qua 50 tác phẩm then chốt, từ các bức vẽ trên vách động Lascaux tới những tác phẩm sắp đặt đương đại, và liên hệ các tác phẩm ấy với những trào lưu, chủ đề cùng kĩ thuật chính yếu trong nghệ thuật.

Dễ tiếp cận, súc tích và giàu minh họa, Câu chuyện nghệ thuật sẽ giải thích nghệ thuật đã thay đổi vì đâu, vào thời điểm nào, như thế nào; những ai tiên phong sáng tạo các ý niệm, các ý niệm ấy có khởi nguồn, bối cảnh thành hình và tầm quan trọng ra sao. Cuốn sách này sẽ lí giải tường minh các thuật ngữ nghệ thuật, cho độc giả kiến thức bao quát và sự am hiểu thấu triệt để thưởng thức nghệ thuật qua các thời kì.

Nghệ Thuật Và Tâm Thức Sáng Tạo

Ta có thể nói rằng một tác phẩm nghệ thuật, ở một mức độ nào đó, luôn phô bày vẻ hùng biện về hình thức trong phương diện tạo hình của nó, và vì vậy mà ta cần hiểu rằng chỉ cần Hình không thôi cũng đã lay động được ta rồi. Tuy nhiên, tôi thấy không thể tách rời vẻ hùng biện về hình thức hoặc tạo hình của một tác phẩm với bản chất nội dung tưởng tượng của nó. Bởi lẽ Hình là gì, nếu không phải là cái hình thù mà nội dung đã chọn làm hình hài của nó trong tác phẩm? Chính nhờ cái hình hài ấy mà ta nhận ra người nghệ sỹ cũng có mặt trong tác phẩm; nó là cái hình của tâm trạng họ, viễn ảnh tiên tri của họ, những thấu thị trực giác của họ, hy vọng của họ, nỗi khắc khoải và niềm vui của họ.

“Nếu anh thấy những câu hỏi và nỗ lực giải đáp trong sách của tôi là chính đáng ở Việt Nam, thì tôi tin rằng tâm thức của người Việt vẫn còn chưa bị xa lạ với hiện thực đến mức tự coi mình chỉ là một ngẫu nhiên phi lý, hoặc chưa “tiến hóa” đến mức thấy mình là một đấng thượng tôn toàn năng; và nghệ thuật Việt Nam vẫn có cơ hội tránh thoát những năng lượng tiêu cực đã và đang chi phối nghệ thuật đương đại”. (Graham Collier – trong cuộc trò chuyện với dịch giả Trịnh Lữ).

Dẫn Luận Về Nghệ Thuật


Bộ Dẫn luận nghệ thuật gồm 4 cuốn:

– Dẫn luận về cái đẹp

– Dẫn luận về lịch sử nghệ thuật

– Dẫn luận về âm nhạc

– Dẫn luận về thiết kế

Dẫn luận về cái đẹp khám phá khái niệm cái đẹp, đặt câu hỏi điều gì khiến một đối tượng là đẹp – dù trong nghệ thuật, tự nhiên hay hình dáng con người. Nó phản bác mạnh mẽ quan niệm cho rằng những phán xét về cái đẹp thuần túy là chủ quan và tương đối, hay chúng ta không học được nhiều từ phê bình và nghiên cứu. Với lập luận sự trải nghiệm cái đẹp của chúng ta được đặt trên nền tảng hợp lý và cái đẹp là một giá trị phổ quát, Dẫn luận này cho thấy làm thế nào năng lực thưởng thức cái đẹp đóng một vai trò không thể thiếu trong cách chúng ta định hình thế giới.

Trong Dẫn luận về lịch sử nghệ thuật, Dana Arnold giới thiệu những đề xuất, tranh biện, và nghệ phẩm tạo thành bộ môn lịch sử nghệ thuật. Sử dụng một phạm vi rộng mở về các hình ảnh, từ những pho tượng ở đảo Phục sinh đến các tác phẩm hội họa hiện đại, tác giả cho thấy bằng cách nào tự thân các tác phẩm nghệ thuật có thể là điểm khởi đầu cho cung cách đọc lịch sử nghệ thuật và đề nghị một sự đa dạng các đường lối, qua đó chúng ta có thể thưởng ngoạn, suy nghĩ, và thấu hiểu nghệ thuật.

Với một bảng từ vựng phong phú, Dana Arnold phác họa những chiến lược thông giải đã làm sinh động bộ môn lịch sử nghệ thuật. Đây là một dẫn nhập vô giá và dễ tiếp cận về một chủ đề rất được quan tâm.Trong bộ sách Dẫn luận về nghệ thuật này, Nicholas Cook nỗ lực cung cấp một khung tư duy về toàn bộ ý niệm âm nhạc. Khảo sát trên mọi bình diện, cá nhân, xã hội và các giá trị văn hoá mà âm nhạc là hiện thân, tác phẩm chỉ ra những sai sót trong cách nhìn nhận truyền thống về âm nhạc, đồng thời phác hoạ một lối tiếp cận toàn diện hơn, làm nổi bật vai trò của người trình diễn và người nghe trong hoạt động âm nhạc.

“Một tour trình diễn đầy sức mạnh. Không hoài nghi gì, Nicholas Cook là một trong những nhà tư tưởng khám phá nhất và sáng tạo nhất về âm nhạc trong thời đại chúng ta. Phong cách sống động, bút pháp trôi chảy và lôi cuốn, và bên dưới tất cả những thứ đó là sự khai triển phong phú của một học vấn uyên bác. Hơn thế nữa, sự sắc cạnh trong ngôn ngữ phê bình của ông sẽ khiến bạn liên tưởng đến lưỡi dao cạo”. – Jim Samson, University of Bristol.

“Dẫn luận về âm nhạc là cuốn sách hết sức thấu đáo trong ý tưởng, sinh động và gọn gàng trong hình thức, hợp lý và hiện đại trong bố cục, hoàn hảo để trở thành một thứ bạn có thể bỏ túi và đắm chìm vào nó trong mọi khoảnh khắc rảnh rỗi.” – Lisa Jardine, The Times.

John Heskett làm thay đổi lối suy nghĩ chúng ta về thiết kế bằng cách nhìn nhận nó là một phần không tách rời với cuộc sống hàng ngày của con người – từ cái thìa chúng ta sử dụng để ăn ngũ cốc vào bữa sáng đến những thiết bị y tế được sử dụng để cứu sinh mạng.

Cuốn Dẫn luận về thiết kế này đem lại cái nhìn vượt ra ngoài phong cách và thị hiếu để thấy những nền văn hóa và con người khác nhau đã cá nhân hóa các sự vật như thế nào. Heskett cho thấy thiết kế đương đại kết hợp “nhu cầu” và “ham muốn” để tạo nên những sản phẩm thực tiễn, phản ánh nhân dạng và những khát vọng của chúng ta thông qua hình thức và nghệ thuật trang trí.

Bảy Ngày Trong Thế Giới Nghệ Thuật


Nghệ thuật đương đại là nghệ thuật của những nghệ sĩ sống ở thế kỷ 21; các tác phẩm của họ chính là tiếng nói phản ánh xã hội đương đại và các vấn đề liên quan đến bản thân cũng như thế giới xung quanh.

Cuốn sách Bảy Ngày Trong Thế Giới Nghệ Thuật của tác giả Sarah Thornton mà bạn đang cầm trên tay là một cuộc du hành vào thế giới nghệ thuật đương đại toàn cầu. Qua bảy chương sách, mỗi chương ứng với một ngày khám phá, Sarah đã cung cấp một trải nghiệm kiểu “thực tế ảo” giúp người đọc dù ở bất kì đâu trên thế giới đều cảm thấy như thể tự mình đang đi dạo vào thế giới nghệ thuật cùng tác giả. Cái thế giới đó không phải là một hệ thống hoạt động nhịp nhàng mà là một tập hợp của các nhóm văn hóa đặc thù với các định nghĩa khác nhau về nghệ thuật, luôn xung đột với nhau, tuy nhiên không thể tồn tại thiếu nhau.

Đến Với Nghệ Thuật


“Cuốn sách ngập tràn thông tin và hình ảnh này sẽ kể cho bạn một câu chuyện khúc chiết, giản dị mà cực kì lôi cuốn về nghệ thuật. Chiêm ngưỡng hơn 200 tác phẩm nghệ thuật xuất sắc nhất thế giới, từ những hình trang trí lăng mộ Ai Cập cổ đại, tới những kiệt tác của các bậc thầy hội họa châu Âu, đến các tác phẩm đột phá gần đây, bạn sẽ phần nào tìm được đáp án cho câu hỏi muôn đời: “Vì sao nghệ thuật lại tuyệt vời đến thế?”

50 Câu Hỏi Mỹ Học Đương Đại


Các hình thức mới của nghệ thuật đương đại, thường khiêu khích và đôi khi bị công chúng hiểu sai, chắc chắn có nguồn gốc từ việc mối quan tâm đối với mỹ học ngày càng gia tăng. Ngay từ thế kỷ XIX, mỹ học đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng của tính hiện đại nghệ thuật rồi đến các nhà tiền phong và nó được phóng tác ra một hệ thống thuật ngữ đặc thù, có nguồn gốc triết học, mà không phải là luôn quen thuộc với những người không chuyên.

Để cuộc tranh luận về nghệ thuật hiện nay bớt lộn xộn hoặc chỉ dành riêng cho những người am hiểu, cuốn sách 50 câu hỏi về mỹ học đương đại của Marc Jimenez trình bày các vấn đề nghệ thuật ra đời vào thế kỷ XX và những câu hỏi chủ yếu qua đó cố gắng giải đáp về mỹ học đương đại.

Năm mươi câu hỏi cho năm mươi câu trả lời về chủ đề mỹ học liên quan đến nghệ thuật đương đại. Các câu trả lời, kể từ những khái niệm cơ bản là chừng đó những điểm mốc thiết thực cho phép người đọc hình thành một quan điểm hoặc để củng cố, phát triển lên hay thậm chí là để thay đổi chính quan điểm đó.

Thế Mà Là Nghệ Thuật Ư


Cuốn sách “thế mà là nghệ thuật ư?” của Cynthia Freeland nhìn một cách nào đó, chính là một trong những thực hành thuộc mô hình giáo dục xã hội hoá nghệ thuật. Trong suốt hơn 200 trang sách, ngắn gọn và cô đọng, được viết với một văn phong trong sáng và thông tuệ, cả một lịch sử dài các khái niệm về nghệ thuật, không chỉ của riêng phương Tây, mà còn từ phương Đông, đã được điểm qua và phân tích.

Qua cuốn sách, người đọc chúng ta sẽ có một cái nhìn rõ ràng và có lẽ sẽ phần nào được cắt nghĩa rằng, khái niệm về nghệ phẩm và nghệ thuật, theo thời gian, đã phát triển để không chỉ còn là một khái niệm thuộc về cái Đẹp, khơi gợi thẩm mỹ, mà còn là một công cụ nhận thức, qua đó, phản chiếu các biến cố, các thông điệp xã hội, chính trị của nghệ sỹ.

Một đặc điểm của cuốn sách này là, khi đề cập tới sự phát triển của các khái niệm ấy trong những hệ thống lý thuyết đóng – mà còn liên đới chung tới các hệ thống ngoại vi về mặt xã hội và chính trị, song có quan hệ chặt chẽ tới sự hình thành và khai triển các khái niệm ấy, trong đó có hệ thống các định chế nghệ thuật – như bảo tàng và các bộ sưu tập nghệ thuật cá nhân, hoặc hệ thống các khái niệm và biến cố về chính trị, khoa học, xã hội – như sự phát triển của ngành khoa học nhận thức, của Nữ quyền luận, của quan điểm Hậu Thực dân, v.v… Nói cách khác, bằng một tiếp cận mang tính nhân học, cuốn sách này đã liên đới nghệ thuật với tất cả những yếu tố ngoại vi mà nó cho là có tác động tương tác tới những cuộc chuyển hoá của chính khái niệm nghệ thuật.

Bài viết khác