KTS Tadao Ando: Kiến trúc có thể trở thành một “bể chứa” cộng đồng
Kiến trúc có vai trò xã hội và kết nối con người với nhau như thế nào, thưa ông?
Bản thân kiến trúc chỉ đơn thuần là một cái hộp, nhưng nó có thể trở thành một bể chứa để các cộng đồng giao lưu, gắn kết cùng nhau. Đảo Naoshima thuộc vùng biển Seto của Nhật Bản có cảnh quan cằn cỗi bị tàn phá bởi ngành khai thác mỏ. Kể từ năm 1987, tôi đã thiết kế gần chục công trình kiến trúc ở Naoshima. Hiện nó đã phát triển thành một điểm đến cho nghệ thuật và văn hóa, thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, kết quả quan trọng hơn là sự hồi sinh của các cộng đồng. Các hoạt động văn hóa và nghệ thuật cho phép người dân lấy lại niềm tự hào của họ về hòn đảo. Ngày nay, Naoshima là nơi nghệ thuật, thiên nhiên và con người giao thoa.
Là kiến trúc sư tự học là chủ yếu. Ông có nghĩ rằng giáo dục về thiết kế ngày nay rất trừu tượng, lý thuyết và cần được trải nghiệm thực tế nhiều hơn không?
Tôi tin rằng tất cả sinh viên nên đi ra ngoài nhiều hơn và đi tham quan các công trình vòng quanh thế giới. Trải nghiệm sống nuôi dưỡng cảm hứng và sự sáng tạo.
Ông nhìn nhận thế nào về ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào trong quy hoạch – kiến trúc?
Tôi hứng thú với những công nghệ mới và tin rằng chúng hữu ích trong nhiều trường hợp. Đồng thời tôi cũng băn khoăn về một tương lai khi mà kiến trúc được tạo ra từ cơ sở dữ liệu sẵn có.
Bên cạnh công năng, chi phí và công nghệ tạo nên sự hài hòa nhất định trong một công trình. Sự tham gia của kiến trúc sư tạo ra những khác biệt, mơ hồ và thậm chí “mâu thuẫn” với thực tế. Chính những khác biệt này làm cho kiến trúc trở nên độc đáo và chứng minh giá trị của nghề kiến trúc sư. Những trải nghiệm, tư duy, cảm xúc của kiến trúc sư đáng tin cậy hơn nhiều so với dữ liệu và tốc độ xử lý trong một chiếc máy tính.
Kiến trúc sư Tadao Ando | Ảnh: Kinji Kanno
Những hình dạng hữu hình và không gian vô hình là những yếu tố mạnh mẽ trong các dự án của ông. Liệu đây có phải là thứ có thể dễ dàng nhìn thấy được trong những các cấu trúc phức tạp không?
Kiến trúc đối với tôi có cả tính trừu tượng và tính đại diện. Tuân thủ hình học cơ bản và sự khớp nối phức tạp là cách tôi khao khát hướng đến sự thể hiện kiến trúc lý tưởng.
Vật chất (những bức tường) tụ hội với phi vật chất (ánh sáng), những khoảng đóng mở. Ông có nhận thấy chúng tương phản mạnh hay kết hợp trong các đồ án của ông? Ông có thể minh họa bất kỳ ví dụ nào đó cho độc giả của chúng ta?
Cả hai loại (vật chất và phi vật chất) đều cùng truyền tải ý nghĩa của một không gian kiến trúc. Ánh sáng mang đến sự hiện hữu của vật thể và kết nối không gian, hình thức. Đền Pantheon ở Rome được tạo nên từ một mái vòm đường kính 43m ở đỉnh một ống hình trụ có kích thước tương tự. Ánh sáng được đưa vào trong thông qua một lỗ tròn đỉnh vòm rộng 8m. Thời điểm cấu trúc bên trong được chiếu sáng, một không gian kiến trúc hiện ra. Một cách nhìn về không gian như vậy không tồn tại trong tự nhiên. Đó là thứ sức mạnh của kiến trúc đã thúc đẩy tôi.
Quá khứ và hiện tại ở trong một cuộc đối thoại bất biến. Ông đã từng nói rằng không có điều gì mới mà không có những giá trị cũ trong đó. Ông vui lòng giải thích thêm về khả năng “sáng tạo từ hư vô”.
Trong mỗi dự án, luôn có một khách hàng và khu đất. Mỗi khu đất nằm trong khu vực có nền văn hóa và khí hậu riêng biệt. Kiến trúc không thể tách biệt bởi vì nó cũng là kết quả từ những thứ xung quanh nó.
Có những sự khác biệt cơ bản nào giữa xây mới và cải tạo khi tiếp cận đối với mỗi loại hình này không, thưa ông?
Không. Công việc buộc phải xem xét đến bối cảnh dù cho đó là xây mới hay cải tạo đi chăng nữa. Mặc dù việc cải tạo có thể khó hơn đôi chút, các công trình hiện hữu là một phần của bối cảnh khu đất trong thiết kế.
Bourse de Commerce – Pinault Collection, © Tadao Ando Architect & Associates, NeM / Niney et Marca Architectes, Agence Pierre – Antoine Gatier. | Ảnh: Patrick Tourneboeuf
Trong một cuộc phỏng vấn khác, ông đã nói kiến trúc nên được tiếp thu học hỏi thông qua các khái niệm và các giác quan, và việc trải nghiệm di sản kiến trúc mà những người đi trước để lại cho chúng ta là điều vô cùng quan trọng. Có điều gì còn nằm trong danh sách phải trải nghiệm của ông không?
Tôi rất muốn đến thăm đền Pantheon ở Rome và đền Parthenon ở Athens một lần nữa.
Xin ông vui lòng kể tên một vài công trình nên nằm trong ‘danh sách tham quan’ của những kiến trúc sư trẻ tuổi và sắp thành danh ngoài kia.
Notre Dame du Haut, Pantheon.
Ông có thể khái quát sự biến đổi trong các công trình của mình thế nào?
Tôi có đủ may mắn để làm việc với các khách hàng trong việc mở rộng và cải tạo những ngôi nhà mà tôi đã thiết kế. Nhà Koshino ở Hyogo đã trải qua nhiều lần xây dựng khác nhau, thêm vào một phòng trưng bày, cải tạo không gian sống, và cuối cùng lại trở thành phòng trưng bày. Thậm chí xưởng của tôi là kết quả của nhiều sự mở rộng mà bắt nguồn là từ ngôi nhà đầu tiên mà tôi thiết kế. Giống như cư dân thay đổi và trưởng thành, kiến trúc cũng phải phát triển và thích nghi.
Bourse de Commerce – Pinault Collection, © Tadao Ando Architect & Associates, NeM / Niney et Marca Architectes, Agence Pierre – Antoine Gatier. | Ảnh: Yuji ONO
Bourse de Commerce – Pinault Collection, © Tadao Ando Architect & Associates, NeM / Niney et Marca Architectes, Agence Pierre – Antoine Gatier. | Ảnh: Philippe Guignard Air Images
Tadao Ando chú ý đến di sản văn hóa Pháp khi nó theo đuổi những ý tưởng ‘vượt qua ranh giới của một thời đại’, lấy ví dụ như Tháp Eiffel và Trung tâm Pompidou. Ông phát biểu khi nhận giải thưởng của Hiệp hội Thiết kế sáng tạo: “Tôi đã cảm nhận được sự biểu hiện của nó trong sự tồn tại đồng thời của truyền thống và hiện đại .Văn hóa sẽ gìn giữ trái tim của nước Pháp miễn là con người vẫn còn mưu cầu tự do: đó là thông điệp tôi mong muốn có thể chạm đến những thế hệ mới. Tôi rất vinh hạnh khi nhận được giải thưởng từ Créateurs Design Association.”.