“Trẻ hóa đô thị” và những giá trị mang lại cho “Tương lai không gian sống Việt Nam”
“Trẻ hóa đô thị” được hiểu là quá trình hồi sinh và phát triển đô thị, thổi sức sống mới vào một tòa nhà cũ, tái phát triển một khu phố cũ, thiết kế các tòa nhà hoàn toàn mới, chuyển đổi toàn bộ thành phố, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống, văn hóa của không gian đô thị hiện hữu.
Tầm quan trọng mà “Trẻ hóa đô thị” mang lại biểu hiện trên nhiều phương diện: đổi mới về mặt văn hóa xã hội, đổi mới về mặt môi trường, đổi mới về mặt kinh tế để hướng đến mục tiêu kiến tạo “Tương lai không gian sống” cho cộng đồng.
Mang lại không gian sống chất lượng nơi đô thị
Trong bối cảnh di dân đô thị, gia tăng dân số dẫn đến hệ quả thiếu quỹ đất trong nội đô, những không gian sống bị quá tải, ngột ngạt, chật chội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống cộng đồng. “Trẻ hóa đô thị” tìm kiếm giải pháp cho những ngôi nhà “xen kẹt”, đảm bảo sự vận hành linh hoạt và phù hợp trong bối cảnh hạn chế về diện tích và hình thái, thỏa mãn nhu cầu sống của con người.
Ths.KTS Vũ Đình Thành (Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia - Bộ Xây dựng) nhận định: “Mô hình nhà phố có xu thế chuyển đổi từ chiều sâu sang chiều đứng, từ chức năng đơn thuần chỉ để ở (hoặc có thể có một phần kinh doanh) thành công trình đa chức năng có thể chuyển một phần hoặc toàn bộ công trình sang chức năng sử dụng khác. Xu hướng chuyển đổi này tập trung tại các khu vực nhà ở thuộc các trung tâm đô thị nhất là các khu vực đô thị hiện hữu có tiềm năng phát triển dịch vụ thương mại”.
Khi được hỏi về vấn đề này, Chuyên gia quy hoạch đô thị Nguyễn Đỗ Dũng (Đồng sáng lập & Tổng giám đốc enfarm Agritech) đánh giá: “Các đô thị ở Việt Nam đều mang trong mình gánh nặng về hạ tầng, dân số. Trẻ hóa đô thị chính là làm cho những đô thị có sức trẻ để gánh vác những áp lực mới trong quá trình phát triển, ví dụ như gia tăng năng lực hạ tầng, cải thiện nhà ở trong khu vực trung tâm. Trẻ hóa còn góp phần làm mới hình ảnh đô thị, thay “lớp áo mới” cho những căn nhà cũ kỹ, xập xệ, những tuyến đường đã lâu không được tân trang, sửa sang”.
Liều thuốc cho sức khỏe, sự gắn kết và tính bền vững
Không chỉ đáp ứng nhu cầu về công năng nhà phố, trẻ hóa đô thị còn thúc đẩy việc tạo dựng những không gian nơi chốn hấp dẫn. Đó là việc phát triển những không gian công cộng, không gian xanh vừa mang lại giá trị cho cộng đồng, vừa góp phần tái sinh đô thị theo hướng bền vững, thích ứng linh hoạt với những đổi thay của xã hội, môi trường.
Jakarta cải thiện khu vực ô nhiễm trở thành không gian xanh, dùng hạ tầng xanh để lọc nước, giúp giảm rủi ro ngập lụt cho khu vực xung quanh. Atlanta biến nhà máy thép bỏ hoang thành dự án cải tạo đất đai, xây những công trình nhà ở và không gian xanh trên cao giữa nội đô đông đúc. Seoul biến bãi chôn lấp rác thải trở thành công viên xanh tươi đẹp Haneul. Công viên đầu tiên ở bờ sông Hồng (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm) được cải tạo từ bãi chôn lấp rác
“Trẻ hóa đô thị” tìm kiếm giải pháp cho một cuộc sống trong lành, đáng sống và bền vững: Xây không gian công cộng; thiết kế không gian vui chơi tái chế; xây dựng không gian nghệ thuật gắn với môi trường; biến nơi ô nhiễm trở thành công viên xanh. Đó là những không gian nơi cộng đồng được rèn luyện sức khỏe, gặp gỡ và tạo các mối quan hệ, giảm khoảng cách giàu nghèo và khác biệt văn hóa, cùng hưởng thụ thiên nhiên, từ đó được đảm bảo sức khỏe, tinh thần và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Những khoảng xanh đó còn là nơi đa dạng sinh thái được bảo vệ thông qua các giải pháp như: Tái tạo đất bằng thực vật bằng cách sử dụng các loại cây thích hợp với điều kiện đất và có khả năng phân giải các chất ô nhiễm; mô hình hồ lọc nước sinh thái; mang lại những “cánh rừng xanh” nằm giữa vùng dân cư dày đặc.
PGS.TS Phạm Thúy Loan (Chuyên gia quy hoạch chiến lược bang NSW, Úc) đánh giá: “Trẻ hóa đô thị với định hướng này có ý nghĩa nhiều mặt. Mấu chốt nằm ở các giải pháp hoàn nguyên môi trường một cách hiệu quả, nhanh chóng thông qua quá trình “cảnh quan hóa” khu vực, một quá trình dựa vào các biological processes (quy trình sinh học) tự nhiên, có sự nghiên cứu và thúc đẩy của con người. Trong tiến trình đó sẽ kết hợp các giải pháp tổ chức không gian, hoạt động của con người, cộng đồng, lôi cuốn sự tham gia và huy động nguồn lực”.
Thay đổi diện mạo đô thị và giữ gìn bản sắc văn hóa
Tại Ahmedabad (Ấn Độ), việc đóng cửa các nhà máy dọc theo Bờ sông Sabarmati đã khiến người lao động thất nghiệp, hình thành các khu định cư không chính thức lớn dọc lòng sông. Thành phố đã thu hồi đất ven sông ở hai bên và thanh toán chi phí dự án thông qua việc bán đất khai hoang, trong khi phần còn lại của bờ sông được chuyển thành công viên công cộng và khu ở cho người lao động tái định cư.
Khu văn hóa 789 Bắc Kinh - trung tâm văn hóa nổi bật ở Bắc Kinh và thu hút đông đảo khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến tham quan trước đây là một cụm nhà máy cũ đã hết thời kỳ sử dụng.
Xu hướng chuyển đổi các công trình công nghiệp thông qua các giải pháp bảo tồn và tái sử dụng thích ứng, chuyển đổi một phần di sản thành không gian công cộng, không gian văn hóa sáng tạo, với các hoạt động có ý nghĩa giúp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp văn hóa và thu hút khách du lịch phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới: Phòng hòa nhạc Niccolo ở Ý, Phòng trưng bày nghệ thuật Tate ở Anh, Trung tâm triển lãm, văn hóa và kỹ thuật Lingotto ở Ý, Tổ hợp công nghiệp Schlumberger ở Pháp.
Những mô hình này góp phần mang đến lợi ích cho cộng đồng, cải thiện thẩm mỹ đô thị. Đặc biệt, việc chuyển đổi chức năng các khu công nghiệp bằng hình thức cải tạo thích ứng bao gồm các công tác: bảo tồn các hạng mục, cấu trúc lưu giữ thông điệp của lịch sử đô thị, tái sử dụng những cấu trúc công nghiệp cho những chức năng mới phù hợp, bổ sung những không gian đáp ứng nhu cầu đương đại góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc, tiếp nối những giá trị văn hóa, lịch sử của đô thị, đặc biệt là đô thị hiện hữu.
Ths. KTS Lã Hồng Sơn chia sẻ: “Việc phục dựng các công trình có giá trị văn hóa – lịch sử là một trong những mục tiêu quan trọng trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản đã và đang bị lãng quên (di sản công nghiệp, di sản văn hóa). “Trẻ hóa đô thị” với các mô hình bảo tàng di sản công nghiệp gắn với con người và ký ức thời gian; chuyển đổi thành các không gian sáng tạo, tổ hợp nghệ thuật sáng tạo,…là phù hợp với xu hướng phát triển và mang tính thực tiễn”.
Góp phần phát triển kinh tế
Khi diện mạo mới của đô thị được thiết lập, những không gian công cộng, văn hóa sáng tạo ra đời thu hút khách du lịch, từ đó góp phần phát triển nền kinh tế của một thành phố, một quốc gia.
Chuyên gia quy hoạch đô thị Nguyễn Đỗ Dũng (Đồng sáng lập & Tổng giám đốc enfarm Agritech) nhận định: Du lịch là một ngành kinh tế quan trọng đối với rất nhiều thành phố. Để đáp ứng nhu cầu mới, đô thị phải có những đổi thay về hạ tầng, chất lượng đô thị để thích ứng, thu hút được khách du lịch, thúc đẩy kinh tế phát triển. Một đô thị đáng sống cũng giúp thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao bên cạnh những yếu tố về công việc, mức lương thưởng, chế độ đãi ngộ. Do đó, cần phải làm mới các đô thị để phù hợp với bối cảnh nền kinh tế mới”.
“Trẻ hóa đô thị” là một phần quan trọng góp phần kiến tạo tương lai không gian sống. Đây cũng là chủ đề chương trình LIXIL ALP 2023 - 2024, chương trình được khởi xướng bởi LIXIL Việt Nam. LIXIL ALP 2023 - 2024 mong muốn góp phần cùng các kiến trúc sư, nhà quy hoạch, nhà quản lý và hoạch định chính sách phát triển đưa ra những ý tưởng mới, dù có thể còn nhiều hạn chế song thể hiện sự mong mỏi của LIXIL Việt Nam về một tương lai sống tốt đẹp hơn cho mọi người, ở mọi nơi. mọi người, ở mọi nơi.tất cả chúng ta!
Tháng 11/2024 sắp tới đây, Hội thảo cuối kỳ LIXIL ALP 2023 - 2024 và Triển lãm LIXIL ALP Pavilion 2023 - 2024 sẽ diễn ra với các hoạt động công bố và giới thiệu các kết quả nghiên cứu tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng không gian đô thị.