Lợi - Thiện và Đẹp trong thiết kế công trình

09-01-2025

Lấy kim đo bể

Nói tới nâng cao chất lượng thiết kế, chính là nói đến việc thiết kế làm thế nào để nâng cao chất lượng cuộc sống với chất lượng không gian xã hội tốt hơn. Nói đến thiết kế phí, là nói tới tiền nong. Tiền chính là bước tiến văn minh: thay vì vỏ sò, người ta lượng hóa bằng tiền để đo giá trị vật chất. Nhưng sự lượng hóa này, đặc biệt là trong một nghề như kiến trúc, chỉ là tương đối. Một KTS, sau khi vẽ xong một công trình, thay vì nhận được một đống vỏ sò, sẽ nhận được tiền. Những cái này đều không tương đương và khó có thể biết thế nào là chính xác cả.

Bạn bè báo chí đặt ra vấn đề để “mổ xẻ” nền kiến trúc nước nhà qua cách lập danh mục các công trình… xấu nổi bật. Người bi quan thì nói, làm gì có cái nào đẹp mà tìm cái xấu nhất, từ công trình kiến trúc đến thiết kế đô thị, thiết kế quy hoạch. Nhưng nói như thế thì hơi không công bằng. Nếu đi vào các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, hay những tư gia, sẽ thấy không ít KTS chăm chút công trình từ góc sân, mảnh vườn, cầu thang… Đó là tâm huyết của KTS tài năng và rõ ràng họ cũng sẽ được hưởng những khoản tiền tương ứng.

Có những KTS nước ngoài tới Việt Nam bị coi là rất “chảnh” khi đòi thiết kế phí những công trình tư gia không dưới 10% giá trị. Nhưng chảnh mà vẫn có người thuê. Bởi cái ông dám đòi 10% ấy thiết kế tỉ mỉ, công phu từ cả những vị trí đóng đinh treo đồ. Không phải ai nhiều tiền cũng thuê được KTS như thế. Đó phải là chủ nhà may mắn. Ngược lại, cũng phải là những KTS may mắn mới tìm được chủ nhà hiểu biết và chịu chi đó. Có thể gọi sự gặp gỡ ấy là nhân duyên. Một người có thể trả công người khác lớn như thế, cũng là người có trình độ nhất định.

Câu chuyện xoay quanh vấn đề trình độ của người thuê và người được thuê. Vì vậy, nếu muốn tăng chất lượng thiết kế chỉ nhờ tác động ở một điểm nào đó, chẳng khác nào bấm huyệt chưa hết bài.

Những KTS tên tuổi có thể đề nghị mức thiết kế phí lên tới 20% nhưng vẫn có chủ đầu tư chấp nhận bởi họ muốn có được một công trình kiến trúc để đời. Một KTS khác rất nổi tiếng của châu Á cũng tính phí thiết kế thỏa thuận với chủ đầu tư.

Chúng tôi cũng đã thấy một siêu thị của ông tại Tokyo: Tòa nhà cao tầng trở thành một đường phố xoáy lên như bảo tàng với một cách nhìn mới. Mặt trước là một mạch nước từ đầu nhà đến cuối nhà, khiến cho ta cảm giác ngôi nhà dịch chuyển không ngừng nghỉ. Khi hoàn thành, KTS huy động toàn bộ nhân viên văn phòng thiết kế đến lau từng viên đá ốp hay đánh bóng lan can… để từng người trong số họ trải nghiệm xem sản phẩm khi ra thực tế sẽ thế nào, từ đó biết chắt chiu hơn. Với công phu như thế thì thiết kế phí không thể kém được. Dù không phải ai cũng cảm nhận được hết nét đẹp của công trình, nhưng từng ý tứ đã thấy những gì mà KTS được hưởng rất xứng đáng.

Hay có KTS người Ailen rất sòng phẳng, sẵn sàng nhận công trình tại Việt Nam với phí tư vấn từ 350 – 500 Euro/ngày tùy theo công việc, như những gì anh nhận được ở Dubllin. Với số tiền tương đương 15 triệu đồng cho một ngày ấy, thì chủ đầu tư nào chấp nhận được? Đó hẳn phải là người biết tính việc, để số tiền ấy không phí hoài. Và hơn nữa, phải biết chọn người để không phải trả quá lãng phí. Lại nhớ những năm 1993 – 1994, ào ạt những đồ án mở cửa mời gọi KTS nước ngoài. Nhưng những KTS ngoại quốc đó đôi khi cũng vẽ những công trình rất tầm thường. Nó chỉ được nâng tầm “cao vời vợi” do được gán mác nước ngoài. Thực tế, các KTS trong nước còn làm được tốt hơn thế. Và cách làm hợp tình hợp lý, hợp túi tiền khi đó là KTS nước ngoài thiết kế ý tưởng, phần việc còn lại thuộc về người Việt Nam.

Xoay quanh câu chuyện thiết kế phí thế nào cho hợp lý, xin dẫn đến câu chuyện về nhóm thiết kế Đan Mạch, những KTS rất trẻ. Họ tới Mỹ để thiết kế/cải thiện không gian… quảng trường Thời đại – Một trong những biểu tượng của nước Mỹ như thế, nơi tụ tập của hàng triệu người mỗi dịp năm mới thì cần làm lại cái gì? Nhưng họ đã chứng minh được quảng trường sau cải tạo đẹp hơn, có đông người lui tới hơn và những quầy hàng danh tiếng xung quanh đó có nhiều khách hàng hơn, doanh số tăng lên. Và bằng cách đo đếm trước và sau khi can thiệp, người ta thấy rõ sự thay đổi do thiết kế đem lại. Vấn đề là, khi nhóm thiết kế thay đổi bộ mặt đô thị, mang lại nguồn lợi lớn như thế, thì vì lý do gì không thể trả họ số tiền tương ứng, để ngày càng nhiều đô thị được chia sẻ cơ hội như thế.

Câu chuyện trên đặt ra cho chúng ta câu hỏi: lấy gì để đo đếm xem, chất lượng thiết kế và giá thành có tương xứng hay không? Bởi nếu theo đơn giá thiết kế hiện nay, mà xuất xưởng các công trình kiến trúc công sở hàng loạt, hay những sản phẩm quy hoạch đô thị na ná nhau thì có vẻ đất nước đang bị thiệt thòi nhiều, nhân dân đang tốn kém quá với số tiền thuế bỏ ra, mà chỉ đưa về những công trình kiến trúc hay đô thị hiện tại là quá cao. Vậy thì cải tiến gì cho nâng cao chất lượng thiết kế? Hình như đây là câu chuyện cải tiến mãi cái đèn dầu, để mong trở thành đèn điện.

Đã muốn đẹp đừng mong chữ Lợi

Hà Nội những năm 1925 là thành phố đủ kiêu hãnh sánh ngang với Thượng Hải và Tokyo. Ai cũng biết thành phố được những KTS tiên phong và ưu tú của nước Pháp thiết kế, từ E. Hebra hay Luis Pineau. Họ muốn trải nghiệm những xu hướng tiên phong mà bản thân không có cơ hội trải nghiệm ở chính quốc. Và đã đưa ra những nét vẽ đẹp nhất về quy hoạch Hà Nội. KTS E.Hebra, cùng với đặc quyền là Giám đốc Sở Kiến trúc Đông Dương đã vẽ lên những công trình quan trọng, biểu trưng của thành phố như Bộ Ngoại giao (Nha công chính), Bảo tàng lịch sử, Viện vệ sinh dịch tễ… Từng công trình có dấu ấn rất lớn của ông và từng công trình có giá trị đóng góp cho thành phố.

Muốn có công trình kiến trúc đẹp còn là cách tổ chức và phát triển đô thị nữa. Đó là những chính sách của nhà nước sao cho khuyến khích không chỉ khối công mà cả khối tư đầu tư những công trình đẹp, có giá trị để đời. Những năm 1925 – 1940, ở khu vực xung quanh hồ Thuyền Quang, nơi tập trung những nhà tư sản Việt Nam và quan lại đầu tỉnh, ô đất càng to càng rẻ. Lô đất rộng trên 500 – 600m2 thậm chí là 1.000m2. Nhưng điều kiện để mua được đất là, phải có công trình kiến trúc đẹp và phải xây trong một thời gian nhất định. Nếu để không sẽ bị thu hồi. Quy định này tạo ra sức ép người mua đất phải thực sự có năng lực và khát vọng thể hiện đẳng cấp. Nhờ đó, cho đến nay, vẫn còn lưu giữ những công trình kiến trúc rất giá trị, rất tao nhã và sang trọng từ những năm đầu thế kỷ 20.

Giá thiết kế thời đó ai cũng biết là bằng hàng vạn tiền Đông Dương, nhiều khi tương đương với tiền mua đất. Vậy thử hỏi phí thiết kế nằm trong tổng giá trị là bao nhiêu? Có phải vì phí hiện đang quá thấp mà người ta xoay sở để ra một công trình kiến trúc “lớn” không cần thiết. Đáng nhẽ cần nghĩ một tí, chắt chiu một chút các giá trị vật chất thì lại “đôn” vật liệu lên, “thăng hạng” về số lượng.

Những công trình chẳng đâu vào đâu thì ốp đá, ốp đồng. Những công trình tưởng niệm có tính chất quốc gia, trong khi vỏ kiến trúc được vẽ rất chắt chiu thì nhóm nội thất, vì trục lợi đã cho thêm bao nhiêu là đá rồi khắc khắc bôi bôi bức tường để tính theo đơn giá của tác phẩm điêu khắc. Thế là ngay trong một công trình, trong cùng một cơ hội nhưng với những mục tiêu khác nhau và nhân cách của người sáng tác “tối – sáng” khác nhau, đã đưa ra những giá trị khác nhau. Do đó, có thể nói chua xót rằng chính đồng tiền đã làm hư hỏng công trình kiến trúc, chứ không phải nó làm cho công trình có giá trị về mặt vật chất, tư tưởng và nghệ thuật.

Bình tĩnh suy xét sẽ thấy Hà Nội thời Pháp từng có những công trình kiến trúc rất đẹp, để lại nhiều giá trị. Ngay trong thời kỳ đầu xây dựng XHCN đầy khó khăn và thiếu thốn, những lứa KTS Việt Nam đầu tiên có khát khao cống hiến, được học hành nghiêm túc, có sự lãng mạn và khát vọng của sáng tạo, kiêu hãnh của nghề nghiệp, họ cũng không bao giờ vẽ nên những công trình xấu. Có thể kể ra vài đại diện KTS có các công trình mang hơi thở mới mẻ của kiến trúc hiện đại, bứt phá khỏi những khuôn mẫu. Đó là KTS Tạ Xuân Vạn với công trình Viện Toán quốc gia, TT âm thanh Đài TNVN, Viện CNTT… Các tác phẩm thể hiện khát vọng đam mê sáng tạo của KTS trong thời kỳ khó khăn vẫn làm nên những điều tuyệt diệu (KTS Tạ Xuân Vạn hầu như không được đi nước ngoài và chỉ học tập qua sách báo). Đó là KTS Lê Văn Lân đã biến cả giấc mơ của thế hệ thanh thiếu niên Hà Nội những năm 1975 trở thành sự thật qua Nhà văn hóa thiếu nhi thành phố. Công trình hợp các khối lớn, đường nét mạch lạc đơn giản nhưng đem lại cho người lớn và con trẻ một khung cảnh ao ước, vượt lên trên nỗi lo toan vất vả cơm áo gạo tiền thời ấy. Đó là KTS Lê Hiệp với những công trình tưởng niệm từ Bắc chí Nam như Đài Bắc Sơn hay Đài tưởng niệm Tuyên Quang…

Có thể còn tranh cãi, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng những công trình ấy đem lại nhiều cảm xúc. Ở Đài tưởng niệm Núi Nhạn (Phú Yên), ông đã biến một công trình dang dở, tầm thường theo phong cách Xô viết trở thành một tác phẩm đáng ngưỡng mộ. Ở đó, ta cảm ngay ngôn ngữ hiện đại, một cánh chim ở giữa tầm trời/giữa thế giới thực tại và linh thiêng, biểu đạt sự tôn kính, về ranh giới của chốn nhân gian chứ không riêng kiến trúc.

Vậy với những công sức thực hiện trong cả chục năm trời ấy, với bao chắt chiu tâm huyết ấy, thì tính phí thế nào? Kiến trúc được KTS sáng tạo, nó có đẹp thì khi công trình hoàn thành, phải giao cho người biết trân trọng nó. Tại Hà Nội, không ít công trình đẹp, sau một thời gian giao vào tay những nhà quản lý vô trách nhiệm, đối xử với nó tệ bạc như những gì người ta đang làm với Nhà văn hóa thiếu nhi, TT âm thanh đài TNVN đang bị xuống cấp/hư hỏng… có phải chúng ta đang thêm một lần lãng phí?

Tóm lại, vấn đề có thể gói gọn ở câu hỏi cái đẹp và tiền bạc có cùng đường với nhau hay không? Cái đẹp luôn đi cùng cái thiện. Nhưng cái thiện và cái lợi thì chưa chắc. Theo quan hệ bắc cầu, nếu chỉ vì lợi thì lấy đâu ra thiện, mà không thiện thì làm gì có cái đẹp.

Bài viết khác