KIẾN TRÚC HIỆN ĐẠI- GIÁ TRỊ RIÊNG CỦA VIỆT NAM

18-12-2023

Kiến trúc hiện đại của Việt Nam

Ảnh hưởng của sự phát triển chủ nghĩa hiện đại ở Việt Nam đến từ xa bên ngoài. Khác với Campuchia, Trung Quốc và nhiều nước châu Á khác, không có một kiến trúc sư nước ngoài nào thiết kế công trình ở Việt Nam vào giữa thế kỉ 20. Trong khi Frank Lloyd Wright đã thiết kế hai công trình ở Nhật Bản và Le Corbusier còn thiết kế một bảo tàng lớn ở đây. (Frank Lloyd Wright và Le Corbusier là hai kiến trúc sư tiên phong trong kiến trúc hiện đại trên thế giới) Bởi vậy, các kiến trúc sư người Việt đã tự mình phát triển chủ nghĩa hiện đại Việt Nam.   

Ở Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội, các sinh viên kiến trúc nghiên cứu kiến trúc truyền thống Việt Nam rất cặn kẽ. Họ hiểu rõ căn tính Việt Nam được thể hiện qua kiến trúc truyền thống như thế nào, đặc biệt là trong kiến trúc đình làng – nơi vừa thực hiện các hoạt động hành chính của làng, vừa để người dân thờ thành hoàng làng và vừa tổ chức các hoạt động văn hóa. Các sinh viên kiến trúc từ đó nhận ra rằng mình cần phải phát triển một kiến trúc mới phản ánh căn tính Việt Nam tương tự như vậy.

Thư viện quốc gia (Ảnh 1), xây dựng ở Sài Gòn vào năm 1971, giờ được biết đến là Thư viện Khoa học tổng hợp trên đường Lý Tự Trọng ở quận 1 là một ví dụ. Kiến trúc sư Bùi Quang Hạnh và Nguyễn Hữu Thiên đã thiết kế công trình này cùng với sự tư vấn của Lê Văn Lắm. Tất cả các công trình lớn được xây dựng ở Sài Gòn sau năm 1945 đều mang phong cách của chủ nghĩa hiện đại và đều bởi các kiến trúc sư Việt Nam, ngoại trừ khu chung cư phong cách art deco do các kiến trúc sư người Pháp thiết kế tới tận năm 1954.

Thiết kế thư viện này cho thấy các kiến trúc sư Việt Nam đã ứng dụng các bài học về căn tính Việt Nam mà họ chứng kiến trong các cấu trúc truyền thống. Họ không sao chép các thiết kế truyền thống, mà khéo léo kết hợp những gì họ đã học được vào kiến trúc hiện đại của họ. Họ cũng cho thấy kiến trúc hiện đại dễ dàng thích ứng với khí hậu nhiệt đới như thế nào.

Chẳng hạn, các cấu trúc truyền thống thường có mái cao để cho phép thông gió khi nhiệt độ trong mái tăng lên. Ở thư viện này, điều đó thể hiện ở các mái treo để tạo ra các lớp không khí lưu thông để cách nhiệt giữa tấm mái dày và trần của các phòng nội thất phía dưới. Cấu trúc xà và cột tinh tế và giản dị gợi nhắc cấu trúc tương tự của đình, được tôn lên bởi phức hợp brise-soleil, hay còn gọi là những tấm chắn nắng, sử dụng các họa tiết Việt Nam truyền thống trong trường hợp này. Tông màu của tòa nhà là màu của đất, từng rất phổ biến với những nguyên liệu tự nhiên dùng trong kiến trúc truyền thống.

Và cũng giống như hiên nhà trong các công trình truyền thống, đặc biệt là các nhà cổ, hành lang dưới tầng trệt của thư viện bảo vệ khu vực bên trong tòa nhà khỏi ánh nắng chói chang và những trận mưa rào, đồng thời tạo ra bóng mát để mọi người có thể trao đổi, trò chuyện dưới chân của tòa nhà.

Và cuối cùng, thiết kế này tập trung vào việc tôn vinh người Việt và các hiện tượng, sự kiện tự nhiên với những họa tiết ánh sáng nhảy múa trong các phòng đọc được tạo ra bởi các tấm brise-soleil và hào nước bao quanh công trình làm dịu đi những cơn gió nóng trước khi chúng thổi vào các phòng đọc sách bên trong.

Tòa nhà này chỉ là một trong rất nhiều ví dụ bộc lộ căn tính Việt Nam mà các sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, về sau trở thành kiến trúc sư, đã vận dụng hoàn hảo trong kiến trúc hiện đại của Việt Nam. Và các nguyên tắc thiết kế theo chủ nghĩa hiện đại mà họ sáng tạo ra vẫn tiếp tục đặt dấu ấn lên căn tính Việt Nam hiện đại ngày nay.

Chỉ có 147 người đăng ký chứng chỉ kiến trúc sư dưới chính quyền miền Nam tính đến năm 1975, và họ đều bị cuốn vào việc thiết kế các công trình lớn cũng như dinh thự của các gia đình giàu có. Nhưng sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu và nền kinh tế trong suốt những năm tháng chiến tranh đã tạo ra một nhu cầu lớn trong việc thiết kế nhà ở, đặc biệt là các shophouse (cửa hàng) ở thành thị và cả các ngôi nhà ở thôn quê như ví dụ sau đây.

Người dân đa số cần phải tự thiết kế nhà của mình. Ta có thể thấy kí ức của họ về kiến trúc truyền thống Việt Nam phản chiếu trong kiến trúc hiện đại Việt Nam ở những kiến trúc sư này và họ có thể lựa chọn căn tính Việt Nam theo khía cạnh mà họ muốn bộc lộ trong ngôi nhà của họ và cả trong căn tính của chính họ. Họ bởi vậy, mượn các ngôn ngữ kiến trúc từ các kiến trúc sư và áp dụng các ý tưởng đó trong nhà mình. Và những thiết kế này, theo ý kiến của tôi, hầu hết đều có chất lượng cao và khớp với chủ nghĩa hiện đại của Việt Nam. Căn nhà thôn quê ở Đồng bằng Sông Cửu Long (Ảnh 2) hoàn toàn không phải là của một kiến trúc sư thiết kế. Nhưng nó thể hiện những quyết định thiết kế tốt của người chủ dựa trên ngôn ngữ của chủ nghĩa hiện đại.

Ảnh 3 do tôi chụp vào năm 1972, nhìn ra nơi giờ là đường Lê Thị Riêng ở quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Lúc này tôi mới tốt nghiệp trường kiến trúc ở Mỹ trước đó một năm và tôi thực sự kinh ngạc trước trình độ kiến trúc hiện đại ở Sài Gòn và ở các vùng quê. Có rất nhiều kiệt tác nghệ thuật theo chủ nghĩa hiện đại ở Mỹ, nhưng kiến trúc hiện đại không hề chiếm ưu thế ở Mỹ và ở châu Âu, kể cả bây giờ. Nhưng ở đây, dọc các con đường, tất cả các khu nhà tập thể đều mang hơi hướm chủ nghĩa hiện đại Việt Nam. Ở con đường chạy song song với Lê Thị Riêng, giờ đây là đường Nguyễn Trãi, 100% các shophouse đều thiết kế theo chủ nghĩa hiện đại. Tôi cảm thấy mình đang sống trong thiên đường kiến trúc. Kiến trúc phương Nam của Việt Nam thời bấy giờ tràn ngập chủ nghĩa hiện đại.

Hẳn là bản thân người Việt cũng chấp nhận và đón nhận chủ nghĩa hiện đại, chứ không như phần lớn các nơi khác trên thế giới.

Sự khởi công của Dinh Độc Lập (Ảnh 4) ở Sài Gòn năm 1966 càng khẳng định rằng người Việt Nam chào đón chủ nghĩa hiện đại. Vốn là dinh của Toàn quyền Pháp chiếm đoạt vào năm 1873 và được đổi tên thành Dinh Norodom vào những năm 1920. Sau khi giải phóng khỏi chế độ thuộc địa vào năm 1954, Tổng thống của Việt Nam Cộng hòa sống trong dinh này và đặt tên nó thành Dinh Độc Lập. Tuy nhiên, trong một cuộc ám sát tổng thống bất thành vào năm 1962, dinh đã bị đánh bom và phía cánh Tây Bắc của công trình hoàn toàn bị phá hủy. Phần còn lại của tòa nhà bị hạ giải sau đó và một cuộc thi thiết kế được tổ chức để thay thế nơi chốn cũ. Công trình mới sẽ sử dụng lại nền móng của Dinh Toàn quyền và bởi vậy nó phải giữ nguyên hình dạng và kích thước. Có bảy đồ án được mời tham dự, năm trong số đó bao gồm việc xây dựng lại dinh theo phong cách cũ kiểu tân Baroque thuộc địa Pháp cũ, hoặc theo trường phái tân cổ điển, hoặc theo phong cách Indochine, hoặc pha trộn kiểu Baeux-Art cổ điển Pháp với trang trí kiểu Châu Á. Một phương án khác theo kiến trúc truyền thống Việt Nam. Và phương án cuối cùng theo chủ nghĩa hiện đại của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, được lựa chọn.

Điều gì họ muốn đối thoại với thế giới nếu những người Việt Nam sau ngày độc lập quyết định xây dựng lại dinh theo phong cách kiến trúc của thực dân xâm lược trước đây? Họ đã có một quyết định xác đáng là tạo ra một tuyệt tác theo chủ nghĩa hiện đại, thực sự thể hiện được những giá trị và độc đáo của người Việt trong kỉ nguyên công nghệ. Công trình nắm bắt sự phức tạp nhưng cũng thể hiện sự khiêm nhường của đời sống và tinh thần người Việt Nam, sử dụng những hình thái kiến trúc truyền thống theo cách hiện đại, và ứng dụng những kinh nghiệm của người Việt Nam trong việc đối phó với khí hậu nhiệt đới. Công trình này vừa đại diện cho kiến trúc hiện đại Việt Nam giữa thế kỉ 20 trong việc nâng cao căn tính Việt Nam trên trường quốc tế.

Bởi vậy kiến trúc hiện đại của Việt Nam không phải là thứ chủ nghĩa hiện đại nhạt nhẽo, vô hồn như các tòa cao tầng theo phong cách quốc tế (hình hộp, khung thép, tường kính) mà người ta vẫn thấy khắp nơi, kể cả trong khu trung tâm của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Năng lượng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam đã tạo ra một lối sống và căn tính rõ nét, và điều đó chính là đặc điểm cốt lõi của kiến trúc hiện đại của Việt Nam. Kiến trúc hiện đại của Việt Nam giữa thế kỉ 20 là kiểu kiến trúc đầy sức sống, thân thiện với con người cùng sự rành mạch cao độ về hình thái và kết cấu công trình. Kiến trúc Việt Nam khiêm tốn, nhưng tinh tế. Tuy nhiên, bản chất khiêm nhường của kiến trúc Việt Nam đồng hành cùng với sự sôi động của đời sống đất nước. Những kiến trúc sư của Việt Nam đã thành công trong việc nắm bắt sự phức tạp trong thiết kế các công trình theo chủ nghĩa hiện đại, thể hiện sự sôi động và mãnh liệt trong căn tính người Việt. Những giá trị của kiến trúc hiện đại Việt Nam vẫn tiếp biến đến tận ngày nay chừng nào người Việt còn bảo vệ và giữ gìn những công trình này và căn tính mà nó thể hiện.

Kiến trúc hiện đại vào giữa thế kỉ 20 của Việt Nam được hình thành trên những giá trị văn hóa và lịch sử của Việt Nam ý nghĩa cả ở thời điểm đó lẫn bây giờ. Nó cũng thích nghi tốt với khí hậu nhiệt đới và bền vững hơn rất nhiều những tòa tháp theo phong cách quốc tế nhan nhản khắp thế giới ngày nay. Nhưng giờ đây, quá nhiều công trình kiến trúc giữa thế kỉ 20 đang bị phá hoại ngày càng nhanh. Căn tính của Việt Nam vì thế cũng bị cuốn trôi theo sự mất mát này. Người Việt nên tự hào về những thành tựu họ đạt được trong việc phát triển một phong cách kiết trúc phản ánh rõ ràng căn tính của mình. Hãy dành chút thời gian nghiên cứu về kiến trúc này và chú ý tới những đóng góp của nó trong thành phố mà các bạn sống. Và cố gắng làm sao để thuyết phục những người xung quanh và các lãnh đạo về giá trị của kiến trúc này, để nó được bảo tồn, cũng như căn tính Việt Nam mà nó đại diện.

Những giá trị của kiến trúc hiện đại Việt Nam giữa thế kỉ 20 cũng thể hiện căn tính Việt Nam rõ rệt như kiến trúc truyền thống trong quá khứ, và nó vẫn tiếp tục thể hiện những mơ ước của Việt Nam và vị thế của nó trên trường quốc tế ở thời điểm hiện tại, trong kỉ nguyên thông tin.

Bài viết khác