Góc nhìn về không gian công cộng trong đô thị Việt

14-07-2025

Thành phố như một sinh vật sống, có sự phát triển, thay đổi, mở rộng, định hình lại và có cấu trúc tái sinh. Khu dân cư và KGCC, là thành phần quan trọng của cấu trúc này, là sản phẩm được giải thích bởi nhận thức của loài người dưới những hoàn cảnh khác nhau. Khái niệm về không gian công cộng có thể được định nghĩa là một “không gian mở, nơi tất cả mọi người có thể tiếp cận dễ dàng một cách miễn phí”. Công viên cây xanh, một quảng trường, một khu chợ, một khu phố đi bộ, khu vực tự nhiên, phần kết nối đô thị như đường phố, vỉa hè, đường đi dạo, bến đợi xe bus và một số phần ven hồ, ven sông, ven biển cũng được tính vào KGCC. Nó không có nghĩa chỉ tính các không gian ngoài trời, các phần cảnh quan, không gian mở mà còn tính cả các không gian trong nhà nhưng được phép truy cập tự do như trung tâm thương mại, nhà ga, sảnh nhà hát lớn, sân trước nhà thờ, một thư viện hay khuôn viên một cơ sở cộng đồng khác. M. Francis, trong cuốn “Control as a dimension of public-space quality” thì định nghĩa nó là một nền tảng chung nơi văn minh và ý thức tập thể của con người về những gì có thể gọi là ‘công khai’ được phát triển và thể hiện. Những không gian này ngoài yếu tố xã hội còn phục vụ như một biểu tượng, một thành phần có ý nghĩa phản ánh bản sắc văn hóa cũng như thể hiện kết nối thị giác mạnh mẽ nhất giữa mặt đất, các tòa nhà và con người.

 

Đô thị đang làm tốt về vấn đề KGCC tại Việt Nam phải kể đến Ecopark – Hưng Yên với tỷ lệ cây xanh vượt chuẩn, có nhiều không gian cho sinh hoạt cộng đồng, vui chơi, lễ hội, đường đi dạo và cho xe đạp, xe điện.

Điều quan trọng đối với một KGCC hiệu quả là nơi tiếp cận tự do, cởi mở, mang lại cảm giác thoải mái và an toàn cho những người sử dụng không gian đó, khuyến khích sự tương tác xã hội giữa cư dân và cung cấp các hoạt động hoặc sự kiện thu hút mọi người vào không gian đó; là nơi liên kết với các trao đổi xã hội, văn hóa hoặc kinh tế và được coi như một thành phần để đánh giá chất lượng cuộc sống hàng ngày. Có nhiều chức năng trong KGCC: là nơi sinh hoạt cư dân, nơi thăm quan du lịch, các hoạt động giải trí như gặp gỡ, đi dạo hoặc trang trọng hơn như các cuộc tụ họp, lễ kỷ niệm. Nhưng dưới thách thức của gia tăng đô thị hóa, với lối sống khác biệt giữa thành thị và nông thôn, những thay đổi trong nền kinh tế, trong cách sống, trong hành vi xã hội và văn hóa, các KGCC  tại Việt Nam dường như không được coi trọng. Mặc dù phần công cộng trong các khu thương mại, khu dân cư cũng được tính nhưng tính tương tác không cao. Vấn đề thiếu hụt diện tích cho cây xanh, không gian cho người đi bộ, vỉa hè bị lấn chiếm làm chỗ để xe, kinh doanh, diện tích cho không gian công cộng bị bó hẹp thể hiện rõ nét nhất đầu tiên từ vấn đề quy hoạch thành phố.

Từ góc nhìn vĩ mô về quy hoạch không gian công cộng

Cung cấp KGCC tốt được nhìn thấy trước tiên thông qua lăng kính quy hoạch bởi vì các nhà quy hoạch có vai trò quan trọng trong việc tạo và định hình các KGCC; một vai trò thể hiện chính nó theo hai cách riêng biệt. Đầu tiên, họ là người quyết định xu hướng phát triển của một đô thị và các dự án công cộng phụ thuộc rất nhiều vào việc có được khởi xướng hay không. Ví dụ, việc nhận ra nhu cầu và tiềm năng của các KGCC mới hoặc tái tạo các vị trí sẵn có cụ thể hóa thông qua sự hỗ trợ của các kế hoạch, khuôn khổ và tóm tắt dựa trên khảo sát hiện trạng khu vực hoặc được khuyến khích thông qua các chính sách. Thứ hai, các nhà quy hoạch là những người bảo vệ cách thức các KGCC ra đời thông qua các quy trình quản lý, phát triển quy định (cấp hoặc từ chối cấp phép để phát triển không gian công cộng). Cả hai yếu tố này đều đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng lợi ích cộng đồng được phục vụ hoàn toàn bởi các KGCC, và càng nhiều câu chuyện như vậy sẽ dẫn đến quy hoạch thành công như Barcelona.

Barcelona hiện được công nhận rộng rãi là một trong những thành phố thành công nhất trên thế giới về mặt quy hoạch các lõi công cộng, được các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc quốc tế hoan nghênh vì lối quy hoạch đô thị sáng tạo. Thành phố này đã sống sót qua những thay đổi về kinh tế, môi trường và xã hội của những thập kỷ trước thông qua việc tập trung vào việc cung cấp các KGCC lên hàng đầu trong làn sóng đô thị mới, trong đó quy hoạch thành phố mang đến cơ hội cuộc sống chất lượng cao cho cư dân.

 

Một ví dụ khác là Copenhagen, cũng được coi là một trong những thành phố có quy hoạch không gian công cộng đáng học tập. Thành phố này thành lập một Văn phòng chịu trách nhiệm thúc đẩy KGCC của thành phố nơi mà con người và điều kiện xã hội được ưu tiên. Bắt đầu từ năm 1960, các chiến lược và chính sách cho KGCC bắt đầu được tích hợp với chính quyền địa phương và được thể chế hóa ở các cấp độ khác nhau. Đó là một phong trào được thúc đẩy bởi KTS và giáo sư nổi tiếng Jan Gehl, tác giả của cuốn “Life between buildings” “Cities for People”, người đã tìm cách giải cứu các nhu cầu cơ bản của con người để tương tác, hòa nhập và kết nối đã bị lãng quên trong quá trình đô thị hóa dẫn đến việc tạo ra các tòa nhà cao tầng, khu công nghiệp và đường trên cao.

 

Tới góc nhìn vi mô về thiết kế chi tiết hay KGCC nên có tính đa dạng hóa

Trong cuốn sách nổi tiếng The Death and Life of Great American Cities, Jane Jacobs đã lưu ý đến cuộc sống của các thành phố sẽ được phản ánh như thế nào qua đời sống đường phố của nó; nếu đường phố sống động, thì thành phố thú vị, nếu đường phố buồn tẻ, thì thành phố mờ nhạt. Mặc dù chức năng chính dành riêng cho lưu thông, đường phố luôn trở thành một thành phần đa chức năng trong xã hội đô thị. Nó là cầu nối, là bước đệm và cũng chính là KGCC. Cuộc sống và văn hóa của đô thị được thể hiện rõ rệt nhất từ những không gian này. Bạn đã bao giờ ở một nơi nào đó và nhận thấy một KGCC hoặc nơi tụ tập thu hút sự chú ý và mời gọi bạn thâm nhập vào nó? Có thể đó là một công viên nhỏ, quảng trường, khu chợ hoặc một bậc thang trước tòa nhà công cộng. Nó có thể là hầu hết mọi thứ nhưng nó thường tràn đầy sức sống, ồn ào với mọi người và dường như là nơi mọi người muốn tới đó thường xuyên.

Nhìn chung, việc thiết kế KGCC tại Việt Nam không những thiếu trầm trọng mà nhiều không gian thiết kế còn đơn điệu,nghèo nàn, không có ý kiến đóng góp từ cộng đồng. Quanh đi quẩn lại chỉ có vườn hoa, phố đi bộ, thực sự chưa thấy bản sắc của khu vực hay những thiết kế mang tính thu hút người sử dụng. Bởi vì như đã trình bày phía trên, một KGCC hiệu quả là phải khiến cư dân được trải nghiệm tính văn hóa và cộng đồng. Lấy ví dụ tại thủ đô Hà Nội, ngoài khu vực Hồ Gươm, phố cổ, thì cách đó vài km về phía Bắc có một cảnh quan cần được khai thác triệt để cho KGCC là Hồ Tây, nhưng ở đây chỉ là đường dạo ven hồ, không có thiết kế đặc sắc, bị lấn chiếm bởi các cơ sở giải khát vỉa hè. Tình trạng này cũng phổ biến tại khu vực hồ khác trong nội đô. Việc lấn chiếm vỉa hè làm quán ăn, quán cafe, cơ sở kinh doanh hay chỗ để xe, không có đường dành cho người đi bộ có lẽ đã trở thành căn bệnh nan y trong hầu hết đô thị Việt, gây mất thẩm mỹ và hoàn toàn không có không gian cho người dân hoạt động cộng đồng.

Một mảng xanh khác của thành phố nằm không xa trung tâm là Công viên Thống Nhất và Vườn Bách Thảo trên đường Hoàng Hoa Thám thì có thiết kế hàng rào bao quanh, không có hướng mở và chỉ phục vụ chủ yếu cho cư dân sống quanh đó. Tại sao công viên cây xanh lại cần có hàng rào? Đây là câu hỏi cần suy ngẫm cho các chuyên gia về quy hoạch, cảnh quan đô thị.

 

Bài viết khác