Sân bay quốc tế Hồng Kông: Công trình tham vọng nhất thế giới | Thiết kế bởi Foster+Partners

14-10-2024

Thông tin dự án:

Tên công trình
:
Sân bay quốc tế Hồng Kông
Diện tích xây dựng (m2)
:
516,000m²
Đơn vị thiết kế
:
Công ty TNHH Anthony Ng ArchitectsFoster+Partners
Đơn vị thiết kế cảnh quan
:
Công ty TNHH Urbis Travers Morgan
Năm hoàn thành
:
1998
Cơ điện
:
Fisher Marantz Renfro Stone
Kết cấu
:
Arup
Sân bay quốc tế Hồng Kông, Nguồn: Fosterandpartners

Theo như lời của Kiến trúc sư chủ trì Norman Foster:

Tôi vẫn thấy quy mô của dự án và sự táo bạo trong tầm nhìn của chính phủ (Hồng Kông) là rất đáng kinh ngạc - Nó chính là một trong những công trình tham vọng nhất ở mọi thời đại.”   

Và sự thật là, với việc xây dựng đồng thời cây cầu treo hai tầng dài nhất, một đường hầm khổng lồ dưới nước dài khoảng 9,6km, hơn 35km đường cao tốc và đường ray tốc độ cao cùng với việc xây dựng một trong những sân bay lớn nhất và tiên tiến nhất, quy mô khổng lồ của dự án là không thể nào phủ nhận.

Phối cảnh chim bay sân bay Chek Lap Kok , Nguồn: Chris-Skyline

THIẾT KẾ

Nhu cầu về một sân bay mới gia tăng vào những năm 1980 khi Hồng Kông đang phát triển nhanh chóng cả về kinh tế lẫn dân số. Sân bay cũ Khải Đức cần được thay thế vì không có cơ hội mở rộng và liên tục đe dọa đến sự an toàn cho dân cư. Sau khi không tìm được vị trí xây dựng trong thành phố Hồng Kông đông đúc, các nhà quy hoạch và kiến trúc sư đã đề xuất một hòn đảo mới trên biển. Để kết nối hòn đảo với đất liền Hồng Kông, một loạt các tuyến đường cao tốc, hầm và cầu đã được đề xuất, mở rộng quy mô của dự án. Và điều khó khăn đầu tiên có thể thấy chính là một lịch trình dày đặc. Toàn bộ công trình phải được hoàn thành trong thời gian giới hạn 7 năm do khủng hoảng chính trị ở Hồng Kông khi Trung Quốc đang tiếp quản lãnh thổ.

Nội thất khu vực chờ của sân bay, Nguồn: Archdaily

Quá trình xây dựng bắt đầu từ việc san phẳng hai hòn đảo núi có đỉnh cao 100 mét, Chek Lap Kok (Xích Liệp Giáp) và Lâm Châu, xuống chỉ còn 7 mét tính từ mực nước biển và kết nối hai đảo này bằng cách lấp đầy khoảng cách giữa chúng bằng vật liệu đá. Hơn 600 triệu tấn đất đã được thay thế để mở rộng diện tích đất, đủ để lấp đầy Đấu trường La Mã 200 lần. Người ta tin rằng sân bay đã làm tăng diện tích đất của Hong Kong lên 1%.

Sân bay bao gồm hai đường băng song song, mỗi đường băng dài 3.800 mét và rộng 60 mét. Đối với khối xây dựng, các kiến trúc sư đã chọn hình dạng cong uốn lượn như dòng chảy mượt mà đại diện sự bay lượn. Với phần mái vòm nhẹ không lắp đặt các thiết bị kỹ thuật và tận dụng ánh sáng tự nhiên, khối nhà ga mở rộng - khái niệm này lần đầu tiên được áp dụng tại sân bay Stansted ở London. Các thiết bị kỹ thuật phục vụ vận chuyển, xử lý hành lý và các dịch vụ khác được tích hợp và đặt dưới sảnh chính của hành khách để không làm cản trở không gian.

Sân bay cũng tự hào sở hữu một nhà ga chứa hàng hóa hàng không hiện đại. Được thiết kế để xử lý lượng container khổng lồ di chuyển qua sân bay mỗi ngày, nhà ga này vận chuyển hàng hóa trị giá lên đến 9 tỷ đô la mỗi năm.

Không gian nội thất tràn ngập ánh ánh ban ngày, Nguồn: Aurecon group

Nhà ga 1 của sân bay được chia thành khu vực tiếp nhận hành khách và đơn vị xử lý máy bay. Đối với thiết kế mái, các kiến trúc sư của sân bay đã chọn một hình mẫu lấy cảm hứng từ những con sóng biển. Để bao trùm hình dáng tinh tế và đồng nhất của tòa nhà, phần mái nặng 14.000 tấn được thiết kế từ các vòm thép hình tròn song song, tương tự các lưới chéo. Điều này không chỉ giúp thống nhất kết cấu mà còn định hướng tòa nhà trong khu vực xử lý. Để đáp ứng kịp các tiến độ được đề ra, toàn bộ mái được chia thành các mô-đun và sản xuất hàng loạt quy mô khổng lồ.

Hình ảnh mái sân bay, Nguồn: Pinterest

QUÁ TRÌNH THI CÔNG

Mái nhà được thiết kế để điều chỉnh cả các mối hàn và các liên kết bu lông; giai đoạn đầu tiên hoàn toàn được hàn, trong khi phần mở rộng đầu tiên được lắp ráp hoàn toàn bằng bu lông. Lấy cảm hứng từ chiếc xe đua Mercedes thập niên 1930, các kỹ sư đã tạo ra một kết nối dạng xương đòn giữa mái và tường, cho phép kết cấu di chuyển và uốn cong trong điều kiện gió bão. Kết nối này đã thiết lập tiêu chuẩn ngành bằng cách cho phép chuyển động lên đến 150 mm theo bất kỳ hướng nào.

Các mặt của nhà ga chủ yếu được làm từ kính, được thiết kế để vỡ trong điều kiện gió bão mạnh nhằm giảm áp lực, từ đó gia tăng độ bền của cấu trúc.

Cửa sổ kính, Nguồn: Fosterandpartners

NHỮNG CẬP NHẬT MỚI NHẤT

Những bổ sung mới nhất cho sân bay bao gồm phần mở rộng của nhà ga số 1. Phần mở rộng này có nhiều cải tiến nhằm nâng cao khả năng xử lý hành khách và hợp lý hóa lối di chuyển của khách hàng. Để đáp ứng nhu cầu giao thông hàng không lâu dài, các cải tiến bổ sung được đề xuất bao gồm hệ thống ba đường băng, một khu vực tiếp đón hành khách mới, hệ thống vận chuyển hành khách tự động, và một hệ thống xử lý hành lý mới.

Sân bay Quốc tế Hồng Kông vào đêm, Nguồn: Chris-Skyline

Sân bay Quốc tế Hồng Kông là một trong những sân bay nổi bật nhất trên thế giới và đã được vinh danh là "Sân bay của năm" do Skytrax trao tặng 7 lần. Là một kiệt tác xây dựng, sân bay đã giành nhiều giải thưởng thiết kế kết cấu, bao gồm "Giải thưởng Kết cấu của Viện Kỹ sư Kết cấu" và "Giải thưởng Thiết kế Kết cấu Thép". Đón 71 triệu hành khách mỗi năm, sân bay đứng thứ 8 trong danh sách những sân bay bận rộn nhất thế giới. Ngày nay, với những không gian rộng lớn ngập tràn ánh sáng ban ngày và các nhà ga mời gọi, sân bay tạo thành một cánh cửa tuyệt đẹp dẫn vào Hồng Kông.

Biên tập: Ngọc Hương | Nguồn: Rethinking The Future

Xem đầy đủ hình ảnh trong bài tại đây:

Bài viết khác