Giải thưởng kiến trúc Pritzker 2024: Riken Yamamoto

21-11-2024

Giải thưởng Kiến trúc Pritzker công bố Riken Yamamoto (từ Yokohama, Nhật Bản), là Người đoạt giải Kiến trúc Pritzker năm 2024 – Giải thưởng được coi là vinh dự cao quý nhất trong ngành kiến trúc trên toàn cầu. 

Riken Yamamoto
Nguồn: https://www.epfl.ch/campus/art-culture/museum-exhibitions/archizoom/riken-yamamoto/

Yamamoto, với tư cách là KTS và nhà hoạt động xã hội, đã “bện” nên mối tơ duyên giữa không gian riêng tư và không gian công cộng, với sự hài hòa giữa cá thể và xã hội, để chung sống giữa những khác biệt về danh tính, về kinh tế, về chính trị, về cơ sở hạ tầng và hệ thống nhà ở. Để bảo vệ sự sống của cộng đồng, ông cho rằng cảm giác về tính đô thị đã bị gói gọn trong giá trị của sự riêng tư, trong khi thực tế, các thành viên trong một cộng đồng cần phải duy trì lẫn nhau. Ông định nghĩa: Cộng đồng như là một “ý thức về việc chia sẻ một không gian” giải hủy các khái niệm truyền thống về tự do và tính riêng tư, đồng thời phản đối các cơ chế kinh tế xã hội lâu nay đã thương phẩm hóa, biến nhà ở thành một loại hàng hoá không liên quan gì đến láng giềng và tình làng nghĩa xóm. Thay vào đó, ông kết nối văn hóa, lịch sử và các gia đình đa thế hệ, với sự nhạy cảm – Bằng cách vận dụng những ảnh hưởng mang tính toàn cầu và chủ nghĩa kiến trúc hiện đại cho những nhu cầu của tương lai, vì một đời sống thực sự có cơ hội để tiến xa hơn.

Theo tờ Guardian, đây là một sự lựa chọn đáng ngạc nhiên. Yamamoto chưa bao giờ thuộc nhóm KTS “siêu sao” mang tính tiên phong hay thử nghiệm – avant-garde – mà giải Pritzker hay tôn vinh từ trước đến nay. Ông cũng không đến từ một vùng đất ít biết đến hay có các công trình dành cho cộng đồng dễ bị tổn thương, bị đánh giá thấp, như một tiêu chí mà giải thưởng đã nhấn mạnh trong một số năm gần đây. Thay vào đó, trong suốt sự nghiệp kéo dài năm thập kỷ qua, ông đã tạo ra một tập hợp các tác phẩm kiến trúc nhất quán theo một phong cách hiện đại và trung lập, với các hình khối và mạng lưới bằng thép, bê tông và kính, khó có thể nói là tạo được cảm hứng khi chỉ nhìn thoáng qua.

Bảo tàng nghệ thuật Yokosuka. Nguồn: Tomio Ohashi

Nhưng nhìn kỹ hơn, ta sẽ thấy sự phức tạp và tinh tế trong cách mà các công trình của ông được xếp lớp và cấu thành trong sự tương tác xã hội. Trước tiên, chúng luôn được thiết kế để nuôi dưỡng tính cộng đồng, cuộc sống tập thể và nhấn mạnh tính tương tác. Như Ban Giám khảo của Giải thưởng Pritzker đã mô tả: “Kiến trúc của Yamamoto đóng vai trò vừa là hậu cảnh vừa là tiền cảnh cho cuộc sống thường nhật, xóa mờ ranh giới giữa không gian công cộng và riêng tư, đồng thời mang lại cơ hội cho mọi người gặp gỡ tự nhiên nhiều hơn”.

Nhà ở Pangyo Housing. Nguồn: Nam Goongsun

Yamamoto bày tỏ: “Đối với tôi, đón nhận và nhìn ra một không gian, tức là đón nhận và nhìn ra cả một cộng đồng. Phương pháp tiếp cận kiến trúc hiện nay nhấn mạnh đến sự riêng tư và phủ nhận tính cần thiết của các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể tôn trọng quyền tự do của mỗi cá nhân mà vẫn có thể cùng chung sống trong không gian kiến trúc, như một chính thể cộng hòa của không gian, nuôi dưỡng sự hòa hợp giữa các nền văn hóa và các thời đoạn của cuộc đời.”

Theo Ban Giám khảo, Riken Yamamoto đã được lựa chọn “Vì đã khơi nên nhận thức trong cộng đồng về trách nhiệm của nhu cầu xã hội, vì đã đặt câu hỏi cho chính những nguyên tắc của kiến trúc để điều chỉnh từng mảnh ghép tương tác của thiết kế – Và, trên hết là để nhắc nhở chúng ta rằng trong kiến trúc cũng như trong một nền dân chủ, không gian phải được tạo ra bằng quyết tâm của con người…”Bằng cách xem xét lại ranh giới như một không gian chính nó, ông đã kích hoạt cái ngưỡng cửa giữa đời sống công cộng và đời sống riêng tư, để mọi dự án đạt được giá trị xã hội thông qua việc chứa đựng và kết nối những không gian mang tính nơi chốn cho mục đích gắn kết và gặp gỡ tình cờ. Các công trình được xây dựng nên, bất kể quy mô, đều thể hiện chất lượng tuyệt vời của chính không gian, với trọng tâm là cuộc sống mà mỗi không gian ấy tạo nên. Độ “trong” của trường không gian được sử dụng để những người từ bên trong có thể trải nghiệm môi trường bên ngoài, đồng thời những người bên ngoài đi ngang qua có thể tìm thấy một cảm giác thân thuộc. Ông đã đem lại sự liên tục nhất quán cho thiết kế cảnh quan, tính phù hợp của thiết kế cho mối tương giao giữa môi trường tự nhiên và môi trường nhân tạo để đặt trải nghiệm của từng công trình vào đúng ngữ cảnh của nó.Ông đã phát triển những ảnh hưởng từ nhà ở machiya truyền thống của Nhật Bản và nhà ở oikos của Hy Lạp trong mối quan hệ với thành phố, khi tính kết nối và tính giao thương là nhu cầu cần thiết cho sự tồn tại của mỗi gia đình. Ông đã thiết kế ngôi nhà của riêng mình, GAZEBO (Yokohama, Nhật Bản 1986) để tạo sự tương tác với những người hàng xóm từ sân thượng và mái nhà. Nhà Ishii (Kawasaki, Nhật Bản 1978), được xây dựng cho hai nghệ sĩ, có một căn phòng giống như gian hang pavilion, mở rộng ra ngoài trời và dùng làm sân khấu để tổ chức các buổi biểu diễn, trong khi không gian ở và sinh hoạt thường nhật được bố trí bên dưới.

Nhà GAZEBO. Nguồn: Tomio Ohashi
Nhà Ishii House. Nguồn: Shinkenchiku Sha

Sinh ra vào năm 1945 tại Trung Quốc và được đào tạo tại Nhật Bản, Yamamoto mới 5 tuổi khi người cha của mình, một kỹ sư, bất ngờ ra đi. Cha ông cũng là người mà ông luôn tìm cách noi theo trong sự nghiệp của mình, và con đường mà ông đi theo cuối cùng lại dẫn đến kiến trúc. Năm 17 tuổi, ông đến thăm chùa Kohfukuji ở Nara, một trong những ngôi chùa Phật giáo nổi tiếng nhất Nhật Bản, có lịch sử từ thế kỷ thứ bảy. Ở đó, ông đã bị hấp dẫn bởi ngôi chùa với năm tầng tượng trưng cho năm yếu tố đất, nước, lửa, không khí và không gian.

“Trời rất tối, nhưng tôi lại có thể nhìn thấy được tòa tháp gỗ được chiếu sáng bởi ánh trăng,” ông kể lại trong tiểu sử cho Giải thưởng Pritzker, “và những gì tôi tìm thấy vào lúc đó là trải nghiệm đầu tiên của tôi với kiến trúc.”

Riken Yamamoto bên cạnh gia đình. Nguồn: Riken Yamamoto

Yamamoto hoàn thành bằng cử nhân tại Đại học Nihon năm 1967 và bằng thạc sĩ tại Đại học Nghệ thuật Tokyo năm 1971. Sau khi tốt nghiệp, ông đã đi tham quan nhiều nơi cùng với người thầy hướng dẫn của mình, Hiroshi Hara, dành nhiều tháng liền để lái xe vòng quanh Châu Âu và Nam Mỹ, và tiếp tục với những chuyến thăm tới Iraq, Ấn Độ và Nepal, để ghi lại các tương tác xã hội và ranh giới giữa không gian công cộng và riêng tư ở mọi nơi ông đến.

Tom Pritzker, Chủ tịch của Hyatt Foundation, đơn vị tài trợ giải thưởng, cho biết: “Yamamoto đã phát triển một ngôn ngữ kiến trúc mới không chỉ đơn thuần tạo ra không gian cho các gia đình cư ngụ mà còn tạo ra những cộng đồng để các gia đình cùng chung sống. Các tác phẩm của ông luôn gắn liền với xã hội, nuôi dưỡng sự rộng mở về tinh thần và tôn vinh khoảnh khắc con người.”

Các dự án nhà ở quy mô lớn hơn của ông cũng đảm bảo các yếu tố liên kết để ngay cả những cư dân sống một mình cũng không sống trong cô lập. Pangyo Housing (Seonnam, Hàn Quốc 2010), một khu phức hợp gồm chín khối nhà ở thấp tầng được thiết kế với tầng trệt trong suốt và linh hoạt đã thúc đẩy được sự kết nối giữa những người hàng xóm. Sàn chung trên tầng hai đã khuyến khích được hoạt động tương tác, với những không gian gặp gỡ, sân chơi, vườn chung và những cây cầu nối liền khối nhà ở này với khối nhà khác.

Nhà ở Pangyo Housing. Nguồn: Kouichi Satake

Trong suốt sự nghiệp của mình, Yamamoto luôn phê phán thái độ của người Nhật đối với không gian nhà ở – “Đôi khi ta có thể có 5.000 người sống hoàn toàn độc lập với thành phố mà họ ở, và những người bên trong (những khối tháp này) lại sống độc lập với nhau… hầu hết người Nhật tin rằng đây là hệ thống sinh sống lý tưởng. Tôi không đồng ý với điều đó”. Ông viết vào năm 2012: “Người ta hy vọng rằng một căn nhà tiêu chuẩn hóa sẽ tạo ra những gia đình tiêu chuẩn hóa và một lực lượng lao động tiêu chuẩn hóa”. “Sự thất bại của chính sách nhà ở cung cấp nhà ở theo kiểu hệ thống máy móc “một nhà = một gia đình” biểu thị sự thất bại của hệ thống quản lý của Nhật Bản”. Theo ông, “Nhà ở sẽ không còn đơn thuần chỉ là nơi gia đình sinh sống và nuôi dạy con cái,” và nguyên tắc “Local Community Area” này cũng đã được thể hiện trong chính dự án Gangnam của ông ở Hàn Quốc, mang lại tính đa chức năng cho nhà ở và khuyến khích sự tương hỗ san sẻ giữa những gia đình hàng xóm láng giềng. Lấy cảm hứng từ lý thuyết của Hannah Arendt, Yamamoto hoàn toàn tin vào “Khả năng rằng mọi không gian đều có thể làm phong phú đời sống và phục vụ mối quan tâm của cả một cộng đồng, chứ không chỉ dành cho những người ở trong không gian ấy”.

Dự án nhà ở cho người thu nhập thấp ở Gangnam

“Một trong những điều chúng ta cần nhất từ thành phố tương lai là sử dụng những công cụ kiến trúc để tạo điều kiện nhân rộng cơ hội cho mọi người xích lại gần và tương tác với nhau. Bằng cách làm mờ ranh giới giữa cái chung và cái riêng một cách cẩn trọng, Yamamoto đã có đóng góp tích cực, vươn ra hơn mục đích và phạm vi ban đầu của dự án để tạo ra những cơ hội mới cho cộng đồng.” Alejandro Aravena, Chủ tịch Ban giám khảo và Người đoạt giải Pritzker 2016, giải thích thêm: “Ông là một KTS mang lại cảm giác yên tâm cho không gian sống, là người lấy lại được phẩm giá cho cuộc sống thường nhật. Qua ông, sự bình thường trở nên phi thường, và sự bình thản thật ra lại mang dáng vẻ tráng lệ đến bất ngờ.”

Trong phỏng vấn với tờ New York Times, ông vẫn thường nhận được câu hỏi: “Tại sao Yamamoto lại làm ra những ngôi nhà kỳ cục như thế?”. Và lời giải thích của ông đưa ra vẫn luôn là: “Cộng đồng là điều quan trọng nhất. Mỗi gia đình đều có mối quan hệ với cộng đồng.”

Yamakawa Villa. Nguồn: Tomio Ohashi

Các công trình dân sự phục vụ chức năng cụ thể cũng vẫn có thể khẳng định mục đích công cộng và đóng góp vào tinh thần cộng sinh. Trạm cứu hỏa Hiroshima Nishi (Hiroshima, Nhật Bản, 2000), hiện lên với hình ảnh hoàn toàn trong suốt bằng cách sử dụng vật liệu kính cho lớp façade bao che và tường trong. Du khách và người qua đường từ đó có thể nhìn xuyên qua sảnh trung tâm để chứng kiến những sinh hoạt hàng ngày cũng như hoạt động tập huấn của lính cứu hỏa, đồng thời lại được khuyến khích giao lưu với chính những con người có nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho họ tại nhiều khu vực công cộng được định sẵn trong tòa nhà. Tòa thị chính Fussa (Tokyo, Nhật Bản 2008) được thiết kế thành hai tòa tháp trung tầng chứ không phải là một tòa nhà cao tầng để đảm bảo sự hài hòa với bối cảnh khu phố thấp tầng xung quanh. Một phần nền được xây lùi lại để đảm bảo một không gian nghỉ chân cho các du khách, và tầng thượng công cộng xanh và các tầng dưới được chú trọng phục vụ những hoạt động, chương trình chung một cách linh hoạt.

Trạm cứu hỏa Hiroshima Nishi. Nguồn: Tomio Ohashi
Tòa thị chính Fussa. Nguồn: Sergio Pirrone

Đại học tỉnh Saitama (Koshigaya, Nhật Bản 1999), chuyên về mảng y tế điều dưỡng và khoa học sức khỏe, bao gồm chín tòa nhà được kết nối với nhau bằng các phần sân ngoài trời, nối nhau thành những lối đi bộ dẫn ra các khối nhà trong suốt, cho phép ta có thể nhìn từ lớp học này sang lớp học khác, cũng như từ tòa nhà này sang tòa nhà tiếp theo, thúc đấy tính tương tác liên ngành. Tình bạn, tình anh em trong môi trường học tập như vậy cũng được nuôi dưỡng ngay cả từ các thế hệ trẻ nhất tại Trường tiểu học Koyasu (Yokohama, Nhật Bản 2018), nơi có sân thượng rộng rãi, hạn chế chia cắt, mở rộng không gian học tập ra, cho phép tầm nhìn thoáng đạt từ bên trong vào và từ bên ngoài ra từ mỗi lớp học, đồng thời khuyến khích mối quan hệ giữa học sinh giữa các cấp lớp với nhau.

Đại học tỉnh Saitama. Nguồn: Tomio Ohashi

Ông xem xét và đặt trải nghiệm của người dùng là tiên quyết, trong thiết kế cho Bảo tàng Nghệ thuật Yokosuka (Yokosuka, Nhật Bản 2006), một công trình vừa là điểm đến cho khách du lịch vừa là nơi nghỉ ngơi hàng ngày cho người dân địa phương. Lối đi vào bảo tàng được uốn khúc nhẹ nhàng để gợi lại hình ảnh của Vịnh Tokyo và những dãy núi xung quanh, trong khi những phòng trưng bày được thiết kế ngầm, mang đến trải nghiệm thị giác rõ ràng và thông suốt của quang cảnh thiên nhiên cho những vị khách đến thăm quan. Du khách có thể ngắm nhìn phong cảnh và các phòng trưng bày khác từ những khung tròn ở tất cả các không gian chung, kết hợp lại những môi trường khác nhau này lại với nhau thành một thực thể thống nhất, để những người bên trong không chỉ bị ấn tượng bởi tác phẩm nghệ thuật mà còn bởi hoạt động của những người khác trong không gian kề cận.

Trường tiểu học Koyasu. Nguồn: Riken Yamamoto & Field Shop
Bảo tàng Nghệ thuật Yokosuka. Nguồn: Tomio Ohashi

Sự nghiệp của ông đã kéo dài qua năm thập kỷ và các dự án của ông, từ nhà ở riêng đến nhà ở công cộng, trường tiểu học đến các tòa nhà đại học, các cơ quan, các không gian dân sự và quy hoạch đô thị, được thực hiện ở khắp Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Thụy Sĩ. Các công trình xây dựng quan trọng khác của ông bao gồm: ĐH Nagoya Zokei (Nagoya, Nhật Bản, 2022), THE CIRCLE tại Sân bay Zürich (Zürich, Thụy Sĩ, 2020), Thư viện Thiên Tân (Thiên Tân, Trung Quốc, 2012), Jian Wai SOHO (Bắc Kinh, Trung Quốc, 2004), Nhà Ecoms (Tosu, Japan, 2004), Khu căn hộ Shinonome Canal Court CODAN (Tokyo, Japan, 2003), Đại học Future Hakodate (Hakodate, Japan, 2000), Trường Trung học cơ sở Iwadeyama (Ōsaki, Japan, 1996) và Nhà ở Hotakubo (Kumamoto, Nhật Bản, 1991).

Nhà Ecoms. Nguồn: Shinkenchiku Sha

Nếu như những công trình có tinh thần công dân của Yamamoto nghe giống như những giải pháp đơn giản cho những căn bệnh trầm kha của đô thị, thì có lẽ đó là bởi vì – theo suy nghĩ của chính ông – chúng đúng là như thế: Thực sự rất dễ dàng để tạo ra một không gian cộng đồng và không gian công cộng,” ông nói, coi đặc tính và hệ hình mà ông đã lựa chọn đơn giản như là việc nhìn lại cách mà không gian công cộng ở Châu Âu thời trung cổ hoặc Nhật Bản thời Edo đã được tạo ra như thế nào.

Nhà ở Hotakubo Housing. Nguồn: Tomio Ohashi
Thư viện Tianjin. Nguồn: Nacasa & PartnersTomio Ohashi

Tuy nhiên, chính trị và lợi nhuận đôi khi vẫn là trở ngại. Yamamoto bày tỏ sự thất vọng khi hơn 30 năm sau khi hoàn thành dự án nhà ở ở Kumamoto, tầm nhìn của ông về các cửa hàng và quán cà phê ở khu vực phía dưới vẫn chưa trở thành hiện thực do các quy định phân khu của địa phương. Ông nói thêm, có lẽ một thách thức còn lớn hơn nữa, lại đến từ các nhà đầu tư bất động sản đã quen với việc quảng cáo lợi ích của những căn nhà riêng lẻ độc lập.

Shinonome Canal Court CODAN. Nguồn: Riken Yamamoto & Field Shop

“Tất nhiên, sự hỗ trợ từ chính quyền là rất quan trọng. Nhưng tôi nghĩ các nhà đầu tư và nhà phát triển đô thị (nên) thay đổi suy nghĩ của mình một chút. Họ tin rằng “một ngôi nhà, một gia đình’ là cách tốt nhất. Tôi xin đề nghị với họ rằng: Thay đổi hệ thống đi.”
Graham McKay, đã viết trên blog “Misfits’ Architecture” của mình: “Bằng một lý do nào đó, chúng ta được dạy để chấp nhận rằng một KTS phải tốt và kiêu ngạo, khiến chúng ta đã tin vào một quan niệm sai lầm rằng kiêu ngạo là điều kiện để trở thành một KTS tốt”. “Tôi muốn sử dụng Riken Yamamoto và sự nghiệp của ống ấy để chứng minh rằng điều đó không đúng chút nào.”

Yamamoto là người đoạt giải Kiến trúc Pritzker lần thứ 53 và là người đoạt giải thứ 9 đến từ Nhật Bản. Ông sinh ra ở Bắc Kinh, Trung Quốc và cư trú tại Yokohama, Nhật Bản. Ông sẽ được vinh danh tại Chicago, Illinois, Mỹ vào mùa xuân này và bài diễn thuyết cho Giải thưởng Pritzker năm 2024 sẽ được tổ chức tại S.R. Crown Hall, Viện Công nghệ Illinois, hợp tác với Trung tâm Kiến trúc Chicago, vào ngày 16/5, mở cửa cho công chúng đến dự trực tiếp cũng như trực tuyến.

KTS Vũ Trung Kiên (Biên dịch và tổng hợp)
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 2-2024)

 

Bài viết khác