"Vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với quy trình thiết kế và đào tạo thiết kế nội thất trong bối cảnh phát triển công nghiệp văn hóa" - ThS. KTS. Phan Hạnh Liên

17-10-2024

Tóm tắt 

Ngày nay, giữa bối cảnh phát triển công nghiệp văn hóa kết hợp những bước tiến vượt bậc của khoa học kỹ thuật, trí tuệ nhân tạo (AI) được xem như một cuộc cách mạng toàn diện, định hình lại các công việc thực tiễn đối với hầu hết các lĩnh vực, trong đó có nhóm ngành thiết kế nội thất. Điều này đặt ra câu hỏi nghiên cứu về tác động của AI đến quy trình thiết kế và liệu nó có thay thế vai trò của nhà thiết kế nội thất hay không. Bằng việc xác định bản chất của AI và tác động của nó đến quy trình thiết kế, nghiên cứu cho thấy các công cụ AI là phương tiện, công cụ động não, truyền cảm hứng, góp phần nâng cao hiệu quả thiết kế, nâng cao khả năng sáng tạo; đồng thời con người vẫn đóng vai trò trung tâm trong quy trình thiết kế nội thất.

Nghiên cứu khuyến nghị các nhà thiết kế cần phải theo kịp sự phát triển của công nghệ và khai thác khả năng của các công cụ và phần mềm AI để nâng cao hiệu quả thiết kế, tiết kiệm thời gian công sức. Ngoài ra, việc kết hợp AI vào giáo dục đào tạo nhằm cải thiện khả năng hiểu biết của các nhà thiết kế về các khái niệm xoay quanh chủ đề, cũng như cách AI sẽ phản ánh sự sáng tạo của họ, góp phần thúc đẩy và phát triển nền công nghiệp văn hóa hiện nay.

 

Từ khóa: thiết kế nội thất, vai trò trí tuệ nhân tạo, đào tạo phát triển thiết kế, quy trình thiết kế

 

Abstract

Today, amid the development of cultural industry combined with great advances in science and technology, artificial intelligence (AI) is considered a comprehensive revolution, reshaping practical work for almost fields, including the interior design major. This raises research questions about the impact of AI on the design process and whether it will replace the role of the interior designer. By identifying the nature of AI and its impact on the design process, the study shows that AI tools are a means and tool for brainstorming and inspiration, contributing to improving design efficiency and improving productivity, or high creativity. At the same time, people still play a central role in the interior design process.

The study recommends that designers keep up with technological developments and exploit the capabilities of AI tools and software to improve design efficiency and save time and effort. Additionally, incorporating AI into design education is intended to enhance designers' understanding of concepts related to design topics, as well as of how AI will reflect their creativity, then contribute to promoting and developing the current cultural industry.

 

Keywords: interior design, role of artificial intelligence, design development education, design process 

 

Nội dung

1. Giới thiệu chung

Gần đây, từ khóa AI (Artificial Intelligence – Trí Tuệ Nhân Tạo) đã thu hút sự quan tâm rộng rãi trên khắp các diễn đàn đa lĩnh vực. Trong lĩnh vực thiết kế nội thất, AI đã và đang biến đổi cách thức đào tạo và hành nghề, mở ra cánh cửa mới cho việc tối ưu hóa quy trình thiết kế các sản phẩm nội thất (AW SPACES, 2023). Bài báo này sẽ đi sâu vào khám phá bản chất và những tác động cơ bản và khái quát của AI đối với quy trình thiết kế nội thất tại Việt Nam. Từ đó, tác giả cũng đề xuất một số giải pháp định hướng đào tạo các nhà thiết kế tương lai, mục tiêu thích ứng với bối cảnh AI phát triển vượt bậc cũng như phát triển nền công nghiệp văn hóa hiện nay.

Định nghĩa về AI có thể khác nhau tùy thuộc vào quan điểm của từng chuyên gia và ngữ cảnh sử dụng. Theo Marvin Minsky, một trong những người sáng lập lĩnh vực AI, "Trí tuệ nhân tạo là khoa học về việc làm cho máy móc thực hiện những nhiệm vụ đòi hỏi trí tuệ nếu chúng được thực hiện bởi con người." (Marvin Minsky, Xiao Xiao, 2019). 

AI cũng được chia thành nhiều lĩnh vực con tiêu biểu như: 

  • Học máy (Machine Learning): Hệ thống có khả năng tự học hỏi và cải thiện hiệu suất dựa trên dữ liệu. 

  • Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing - NLP): Hệ thống có khả năng hiểu và tương tác với ngôn ngữ tự nhiên của con người. 

  • Thị giác máy tính (Computer Vision): Hệ thống có khả năng nhận diện và phân tích hình ảnh và video. 

  • Robot học (Robotics): Hệ thống máy móc có khả năng thực hiện các nhiệm vụ vật lý. 

  • Hệ thống chuyên gia (Expert Systems): Hệ thống có khả năng đưa ra quyết định dựa trên một tập hợp các quy tắc và dữ liệu cụ thể.

Ngoài ra, AI có thể được phân loại thành hai loại chính: 

  • AI yếu (Narrow AI): Được thiết kế để thực hiện một nhiệm vụ cụ thể, như nhận diện giọng nói hoặc lái xe tự động, nhưng chúng không có khả năng tự ý thức hoặc tự quyết định ngoài phạm vi đã được định trước. 

  • AI mạnh (General AI): Có khả năng hiểu biết và học hỏi bất kỳ nhiệm vụ trí tuệ nào mà con người có thể thực hiện. Hiện tại, General AI vẫn là một mục tiêu nghiên cứu và chưa được phát triển hoàn thiện.

Tựu chung, AI là một lĩnh vực liên quan đến việc tạo ra các hệ thống và chương trình máy tính có khả năng thực hiện các nhiệm vụ thông minh, bao gồm học hỏi, suy luận, nhận thức và ra quyết định, thường yêu cầu trí tuệ khi thực hiện bởi con người.

2. Bản chất và tác động của AI trong quy trình thiết kế nội thất

Hiện tại, AI trong thiết kế nội thất không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn đóng vai trò như một người đồng hành sáng tạo, giúp nâng cao hiệu quả và tính sáng tạo trong công việc. Theo quan sát hiện nay, có 3 nhóm công nghệ AI đang có tính ảnh hưởng lớn nhất tới quy trình thiết kế nội thất là: 

  • Công nghệ Chatbots và Trợ lý ảo (ChatGPT, Bing, Gemini,…) có khả năng phân tích thông tin dữ liệu yêu cầu thiết kế (không gian nhu cầu khách hàng), từ đó đưa ra các gợi ý thiết kế phù hợp.

  •  Công nghệ tạo hình ảnh (MidJourney, Stable Diffusion, Homestyler …) có khả năng xử lý, tạo ra hình ảnh, video từ mô tả văn bản. Chỉ với một số mô tả thông qua ngôn ngữ và bản phác thảo, các AI này có thể tạo ra các mô phỏng và trực quan hóa ý tưởng của các nhà thiết kế một cách nhanh chóng, hiệu quả.

  • Công nghệ xử lý hình ảnh và phát triển thiết kế (SketchUp với Plugin AI, Autodesk Revit với công nghệ BIM, Modsy …) với khả năng giúp tự động hóa các quy trình làm việc phức tạp, tối ưu hóa các tác vụ như phân tích dữ liệu, chỉnh sửa hình ảnh, cắt lớp kỹ thuật chi tiết, thiết kế đồ họa, phối màu, cá nhân hóa dữ liệu và trải nghiệm  người dùng,v.v..

Hầu hết các công cụ AI trong thiết kế nội thất chủ yếu thuộc về AI hẹp, chuyên biệt cho các nhiệm vụ cụ thể. Loại AI rộng vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển, nhưng có tiềm năng mạnh mẽ trong việc định hình tương lai của thiết kế nội thất bằng cách cung cấp các giải pháp sáng tạo và phân tích sâu rộng hơn. Thông thường, các AI được lựa chọn dựa trên tính năng phù hợp với từng giai đoạn phát triển thiết kế cơ bản như Nghiên cứu, Phác thảo sơ bộ, Điều chỉnh, Triển khai và Hậu kỳ, Trình bày (hình 1). Cụ thể, đối với quy trình Nghiên cứu, nhà thiết kế có thể sử dụng chat GPT để tìm kiễm dữ liệu nghiên cứu về đặc điểm thời tiết khí hậu, nét đẹp văn hóa bản địa, từ đó cân nhắc lựa chọn ý tưởng cảm hứng thiết kế và phát triển các tạo hình cho không gian nội thất xoay quanh ý tưởng đó, có thể bằng những bản vẽ phác họa. Đối với giai đoạn Phác thảo, Điều Chỉnh có thể linh hoạt sử dụng các loại AI như Midjourney, Stable Diffusion, với những đoạn văn (promt) hoặc bản vẽ (sketching) mô tả ý tưởng, để tạo nên các hình ảnh tương đối hoàn thiện đa dạng màu sắc vật liệu, v.v.. Sau khi lựa chọn được phương án thiết kế phù hợp hoặc cân nhắc từ các hình ảnh gợi ý của AI, nhà thiết kể sẽ tiến hành triển khai phương án thành các bản vẽ phối cảnh hoàn thiện và bản vẽ kỹ thuật thông qua những phần mềm quen thuộc như Sketchup, Revit. Một số plugin AI của các phần mềm này sẽ hỗ trợ việc cắt lớp kỹ thuật nhanh chóng dựa trên phối cảnh công trình. AI cũng sẽ tiếp tục tham gia vào một số thao tác về chỉnh ảnh, xóa phông nền tự động trong công đoạn Hậu kỳ, hỗ trợ công việc Hậu kỳ diễn ra nhanh chóng và đồng bộ đối với một lượng lớn các bản vẽ.

Mặc dù công nghệ AI mới chỉ được áp dụng vào thực tiễn trong một thời gian ngắn, nhưng nó đã mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho lĩnh vực đào tạo và hành nghề thiết kế nội thất tại Việt Nam. Các lợi ích của AI có thể kể đến như, tăng cường sự sáng tạo, tạo ra những ý tưởng mới, độc đáo, mang tính siêu thực viễn tưởng; đồng thời thông qua khả năng tự động hóa AI có thể được xử lý hiệu suất cao khối lượng lớn các công việc, tăng cường khả năng tùy chỉnh sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng; AI cũng có khả năng phân tích không gian để đề xuất các cách bố trí tối ưu, đảm bảo sử dụng không gian hiệu quả; cũng như tăng cường quyết định dựa trên thông tin có cơ sở và phân tích sâu rộng. Trên bài đăng Tạp chí Kiến trúc số 1- 2024, KTS. Ngô Minh Vũ cũng đưa ra nhận định: “Sự kết hợp giữa AI và các công cụ thiết kế hiện đại đang mở ra những khả năng mới và thú vị cho các sinh viên, nhà thiết kế nội thất, KTS, và các chuyên gia trong ngành.” (Ngô Minh Vũ, 2024)

3. Vai trò AI đối với quy trình thiết kế nội thất

Mặc dù AI đã mang lại nhiều lợi ích cho ngành đào tạo và thiết kế nội thất, cần phải nhận thức rõ ràng về việc AI khó có thể thay thể vai trò của con người trong thiết kế nội thất, khi mà con người có các khả năng sáng tạo, hiểu biết về văn hóa, giao tiếp cá nhân, quản lý dự án, và khả năng tạo ra sự kết nối cảm xúc, những yếu tố mà AI hiện tại không thể thay thế hoàn toàn. 

  • Cụ thể, đối với khả năng sáng tạo và tư duy sáng tạo, trong khi AI dựa trên dữ liệu và các mẫu thiết kế đã được học từ trước, thường tạo ra các giải pháp dựa trên các xu hướng hiện tại và gợi ý có sẵn, thì con người có khả năng sáng tạo vô hạn và tạo ra những ý tưởng thiết kế độc đáo dựa trên cảm nhận cá nhân, cảm xúc và kinh nghiệm sống. Con người có thể kết hợp các yếu tố thiết kế theo cách mới mẻ và sáng tạo, đáp ứng được các nhu cầu cá nhân và yêu cầu tinh tế của khách hàng.

Có thể là hình ảnh về bánh núm dừa và văn bảnKhông có mô tả ảnh.Không có mô tả ảnh.Không có mô tả ảnh.

Hình 2: AI có thể tạo nên những ý tưởng nội thất đa dạng dựa trên hình ảnh cảm hứng những chiếc bánh macaroon nhiều màu sắc. (Nguồn: AI+DSVN)

  • Về hiểu biết về ngữ cảnh và văn hóa,AI có thể gặp khó khăn trong việc nắm bắt các yếu tố văn hóa và ngữ cảnh đặc thù. Dù có thể phân tích dữ liệu từ nhiều nguồn, nhưng AI vẫn cần được lập trình và đào tạo để hiểu các yếu tố này một cách chính xác. Về cơ bản, thì các nhà thiết kế nội thất có thể hiểu và tích hợp các yếu tố văn hóa, truyền thống và ngữ cảnh địa phương vào thiết kế nhạy bén hơn AI. Họ có thể nắm bắt và đáp ứng nhu cầu và mong muốn cụ thể của khách hàng dựa trên hiểu biết sâu sắc về môi trường sống và văn hóa. 
  • Về giao tiếp và tương tác cá nhân,Mặc dù AI có thể tương tác thông qua các nền tảng kỹ thuật số, nhưng sự giao tiếp của nó thường thiếu sự tinh tế và cảm xúc như khi con người trực tiếp lắng nghe và hiểu cảm nhận của khách hàng. Con người có khả năng giao tiếp trực tiếp và nhạy bén với khách hàng, lắng nghe và hiểu các yêu cầu cũng như phản hồi của họ. Sự tương tác này giúp nhà thiết kế tạo ra các giải pháp thiết kế phù hợp và cá nhân hóa hơn.

Hình 3: Chuỗi cửa hàng đồ nội thất IKEA ra mắt trợ lý AI tư vấn phương án nội thất cho khách hàng. (Nguồn: internet)

  • Về quản lý dự án và điều phối, AI có thể hỗ trợ trong việc quản lý dự án thông qua tự động hóa và phân tích dữ liệu, nhưng việc giải quyết các tình huống khẩn cấp và điều phối các bên liên quan vẫn yêu cầu sự can thiệp của con người.Các nhà thiết kế có thể quản lý và điều phối các dự án thiết kế, làm việc với các nhà thầu, nhà cung cấp và các bên liên quan khác, đồng thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.
  • Về đánh giá và điều chỉnh thiết kế,AI có thể mô phỏng và dự đoán các kết quả thiết kế, nhưng việc điều chỉnh dựa trên phản hồi thực tế và cảm nhận của không gian vẫn yêu cầu sự đánh giá của con người. Các nhà thiết kế có thể đưa ra phản hồi và điều chỉnh thiết kế dựa trên cảm nhận và phản ứng thực tế của không gian, cũng như các yếu tố chưa thể được dự đoán trước.
  • Về khả năng tạo ra sự kết nối cảm xúc,AI có thể phân tích dữ liệu và đưa ra các gợi ý dựa trên các mẫu đã học, nhưng nó không có khả năng cảm nhận và phản hồi các yếu tố cảm xúc và tâm lý của người sử dụng một cách tự nhiên. Nhưng con người có thể tạo ra những không gian không chỉ đáp ứng nhu cầu chức năng mà còn mang lại cảm xúc tích cực và trải nghiệm đặc biệt cho người sử dụng. Họ có thể cảm nhận và phản ánh các yếu tố cảm xúc và tâm lý trong thiết kế.
  • Ngoải ra, AI hiện cũng đang gặp một số thách thức về đạo đức và quyền riêng tư. Việc sử dụng AI để phân tích dữ liệu cá nhân có thể đặt ra các vấn đề về quyền riêng tư và bảo mật thông tin. AI có thể tạo ra những thiết kế dựa trên các mô hình có sẵn, nhưng có thể không xem xét đến các yếu tố đạo đức trong quá trình thiết kế. Việc giải quyết những thách thức này không chỉ đòi hỏi các biện pháp kỹ thuật, mà còn cần sự kết hợp giữa quy định pháp lý, trách nhiệm đạo đức, và giáo dục cộng đồng. Con người đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng AI được phát triển và sử dụng một cách có trách nhiệm, minh bạch và công bằng.

Có thể nói, con người vẫn luôn luôn đóng vai trò trung tâm trong các công việc thiết kế nội thất.AI có thể cung cấp công cụ và hỗ trợ trong quá trình tư duy và thực hành thiết kế, có thể đưa ra những gợi ý với nhiều sự lựa chọn, nhưng việc kết hợp các yếu tố truyền thống và ứng dụng công nghệ lại yêu cầu phần nhiều vào khả năng sáng tạo và kỹ năng của con người, đồng thời sự sáng tạo, cảm xúc và khả năng hiểu biết sâu sắc về văn hóa, nghệ thuật, giáo dục và đạo đức là những yếu tố mà AI hiện thời khó lòng thay thế.330

4. Đào tạo nhân lực thiết kế nội thất trong bối cảnh tiến bộ của AI và phát triển công nghiệp văn hóa

Trong bối cảnh tiến bộ của AI và sự phát triển của công nghiệp văn hóa, công cuộc đào tạo ngành thiết kế nội thất cần có những thay đổi và cập nhật quan trọng để đáp ứng nhu cầu mới và tận dụng tối đa các cơ hội mà công nghệ mang lại. Tác giả đưa ra một số khuyến nghị về việc tăng cường sự hiểu biết về ứng dụng AI trong đào tạo, kết hợp phát triển các kỹ năng của nhà thiết kế mà AI không thể thay thế, được định hướng cụ thể như:

  • Tích hợp AI vào chương trình đào tạo: Sinh viên cần được làm quen với các phần mềm và công cụ thiết kế nội thất sử dụng AI như Autodesk Revit, SketchUp, hoặc các Ai như Midjourney, Stable Diffusion (hình 2). Các khóa học nên bao gồm hướng dẫn cách sử dụng các công cụ này để tối ưu hóa quy trình thiết kế. Các bài tập và dự án thực tiễn nên yêu cầu sinh viên sử dụng AI để tạo ra các mô hình 3D, phân tích không gian, và tối ưu hóa thiết kế dựa trên dữ liệu thực tế. 

  

Hình 2: Bài tập môn Hình khối Màu sắc của SV Nội thất khoa Kiến trúc, trường Đại học Duy Tân, trong đó SV thực hiện mô hình và sử dụng AI để đưa ra các phương án điều chỉnh màu sắc và hình khối. (Nguồn: tác giả)

  • Phát triển kỹ năng liên quan đến công nghệ: Mặc dù không phải nhà thiết kế nào cũng cần trở thành lập trình viên, việc hiểu cơ bản về lập trình và cách AI hoạt động có thể giúp họ tận dụng tốt hơn các công cụ công nghệ. AI dựa trên dữ liệu để đưa ra các gợi ý thiết kế, vậy nên sinh viên hay các nhà thiết kế trẻ cũng cần học cách thu thập, xử lý, và phân tích dữ liệu để hỗ trợ quá trình thiết kế. Các AI đang trở thành công cụ quan trọng trong thiết kế nội thất, sinh viên nên được đào tạo về cách sử dụng các công nghệ này để trình bày và kiểm tra thiết kế của họ.
  • Khuyến khích sự sáng tạo và tư duy phản biện: Các bài tập nên khuyến khích sinh viên thử nghiệm và sáng tạo, sử dụng AI để khám phá các ý tưởng thiết kế mới. Bên cành đó, sinh viên cần được rèn luyện kỹ năng phân tích, phản biện, xem xét và đánh giá các gợi ý mà AI đưa ra, không chỉ dựa vào công nghệ mà còn dựa trên kinh nghiệm và hiểu biết cá nhân, tránh tình trạng bị lệ thuộc vào các gợi ý của AI làm hạn chế khả năng tư duy sáng tạo của bản thân.
  • Hiểu biết về văn hóa và ngữ cảnh:Các nhà thiết kế cần hiểu rõ về các yếu tố văn hóa và ngữ cảnh đặc thù của từng vùng miền. Các khóa học nên bao gồm các nội dung về lịch sử, văn hóa và truyền thống để giúp sinh viên tạo ra các thiết kế phù hợp. Đồng thời tăng cường tích hợp văn hóa vào thiết kế, nhằm tạo ra các không gian không chỉ đẹp mắt mà còn phản ánh đúng bản sắc văn hóa.
  • Phát triển kỹ năng mềm như giao tiếp, quản lý:Khả năng giao tiếp hiệu quả với khách hàng và các bên liên quan là vô cùng quan trọng. Sinh viên nên được rèn luyện kỹ năng lắng nghe, thuyết trình, và giải quyết xung đột; hoặc các kỹ năng quản lý dự án giúp sinh viên lập kế hoạch, điều phối và theo dõi tiến độ công việc, đảm bảo các dự án được hoàn thành đúng hạn và đạt chất lượng yêu cầu. Các bài tập nhóm giúp sinh viên học cách làm việc cùng nhau, chia sẻ ý tưởng và phối hợp để đạt được mục tiêu chung.
  • Tăng cường các chương trình, hội thảo cập nhật xu hướng: Các trường nên tổ chức hội thảo và khóa học ngắn hạn để giúp sinh viên cập nhật các xu hướng và công nghệ mới nhất trong ngành thiết kế nội thất. Đồng thời, hãy phát triển các mạng lưới chuyên gia và thực tập, từ đó tạo cơ hội cho sinh viên kết nối với các chuyên gia trong ngành và tham gia các chương trình thực tập để họ có thể học hỏi kinh nghiệm thực tế.
  • Đào tạo thiết kế nội thất trong bối cảnh AI phát triển đòi hỏi một sự kết hợp hài hòa giữa công nghệ và sáng tạo. Bằng cách tích hợp AI vào chương trình đào tạo, phát triển các kỹ năng công nghệ và mềm và khuyến khích sự sáng tạo, các nhà thiết kế nội thất tương lai sẽ được trang bị đầy đủ để tận dụng các cơ hội mà AI mang lại và đáp ứng nhu cầu của thị trường.

5. Kết luận

Trong bối cảnh tiến bộ vượt bậc của công nghệ AI và sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp văn hóa, việc đào tạo nhân lực thiết kế nội thất đòi hỏi sự thay đổi và cập nhật không ngừng để đáp ứng nhu cầu mới. AI không chỉ giúp tối ưu hóa quy trình thiết kế mà còn kích thích sự sáng tạo, tăng cường hiệu quả công việc và cung cấp cơ sở dữ liệu phân tích chính xác cho các quyết định thiết kế. Tuy nhiên, con người vẫn giữ vai trò trung tâm với khả năng sáng tạo, cảm xúc và hiểu biết sâu sắc về văn hóa - những yếu tố mà AI không thể thay thế hoàn toàn. Để đáp ứng yêu cầu này, các chương trình đào tạo cần tích hợp sâu rộng các công nghệ mới, phát triển các kỹ năng mềm và khuyến khích sự sáng tạo trong sinh viên. Việc hiểu rõ và áp dụng các yếu tố văn hóa vào thiết kế sẽ tạo ra các sản phẩm không chỉ đẹp mắt mà còn mang lại giá trị văn hóa cao. Tóm lại, trong kỷ nguyên công nghệ AI, sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo và tài năng con người sẽ tạo ra những bước tiến vượt bậc trong ngành thiết kế nội thất. Việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, có khả năng sử dụng công nghệ một cách sáng tạo và hiệu quả, sẽ là chìa khóa để mở ra những cơ hội mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp văn hóa.

 

Tài liệu tham khảo

 

[1] AW SPACES. (2023, 07 02). AI: How will it Affect Interior Design? (AW SPACES) Retrieved 08 24, 08, from https://www.awspaces.co.uk/journal/ai-how-will-it-affect-interior-design

[2] Marvin Minsky, Xiao Xiao. (2019). A Short Biography of Marvin Minsky. In Inventive Minds: Marvin Minsky on Education (p. xiii). Massachusetts, USA: The MIT Press.

[3] Ngô Minh Vũ. (2024). Tác động của trí tuệ nhân tạp AI tới đào tạo và hành nghề thiết kế nội thất. Tạp chí Kiến trúc, 1.

 

 

Bài viết khác