Dân tộc và Hiện đại trong kiến trúc
Theo quan điểm duy vật biện chứng thì kiến trúc được coi là lĩnh vực đặc biệt của thực tiễn xã hội, với sự thống nhất giữa văn hóa vật chất và văn hóa xã hội, trong đó: Chất lượng mang tính nghệ thuật; ý nghĩa thực dụng gắn với đời sống hàng ngày; còn cơ sở tồn tại và phát triển là nền kinh tế và khoa học kĩ thuật của đất nước. Nếu nhận thức như vậy thì trong lý luận về kiến trúc khi bàn đến "những yếu tố dân tộc - hiện đại trong kiến trúc" trước tiên cần đề cập đến những vấn đề, từ đó làm sáng tỏ tính dân tộc trong kiến trúc và khía cạnh hiện đại của kiến trúc.
Thứ nhất là cần làm rõ vị trí kiến trúc trong sự phát triển lực lượng sản xuất của xã hội. Xác định tính quy luật và tác dụng của quy hoạch vùng lãnh thổ với ý nghĩa là một trong những biện pháp quan trọng nhất để thực hiện quy luật phát triển kinh tế có kế hoạch và cân đối mọi mặt nói chung cũng như nói riêng trong nông nghiệp trên địa bàn từng vùng, tỉnh, huyện.
Làm rõ sự phát triển kiến trúc công nghiệp phù hợp với sự phát triển quan hệ sản xuất; làm rõ yêu cầu tăng dân số công nghiệp, phát triển các cơ sở công nghiệp - nhất là công nghiệp nặng tương đối đồng đều trên đất nước có tính đến: nguồn tài nguyên thu hút lao động - nhưng với yêu cầu kinh tế là tốn lao động ít nhất trong sản xuất hàng hóa công nghiệp - và đảm bảo tăng năng suất lao động. Thiết kế và xây dựng công trình công nghiệp có khả năng rộng rãi đảm bảo quá trình công nghệ ngày càng tiên tiến trên cơ sở khoa học ngày càng được nâng cao và năng suất lao động ngày càng tăng.
Thứ hai là khẳng định tác động của tiến bộ khoa học kĩ thuật đối với sự phát triển của kiến trúc. Nếu quy hoạch vùng lãnh thổ và kiến trúc công nghiệp ảnh hưởng cơ bản đến lực lượng sản xuất của xã hội, thì ngược lại lực lượng sản xuất ảnh hưởng quyết định đến kiến trúc, trước tiên là thông qua kỹ thuật xây dựng và công nghiệp xây dựng. Kỹ thuật xây dựng, công nghiệp hóa xây dựng là công cụ mạnh và tích cực để thực hiện nhiệm vụ xã hội của kiến trúc, đồng thời là nhân tố cách mạng đối với kiến trúc. Lý luận kiến trúc phải làm rõ ý nghĩa tiến bộ của khoa học kĩ thuật đối với sự phát triển của kiến trúc và đối với nội dung xã hội yêu cầu kinh tế, yêu cầu thực hiện quốc sách tiết kiệm trong đầu tư xây dựng.
Bàn đến vị trí kiến trúc trong sự phát triển lực lượng sản xuất và tác động của khoa học kĩ thuật đối với sự nghiệp phát triển kiến trúc là bàn đến những vấn đề hiện thực của đời sống, ở đây ta khẳng định cái mới thường xuyên của kiến trúc, tính hiện đại của kiến trúc. Nếu hiểu như vậy thì một công trình kiến trúc dựng lên trong thời nay không thể không hiện đại. Vậy vấn đề tính hiện đại của kiến trúc ngày nay có thể không phải bàn nhiều. Tuy nhiên, khi bàn đến tính dân tộc trong kiến trúc thì vấn đề tính hiện đại cần đặt ra rõ ràng.
Thứ ba là cần làm rõ ý nghĩa xã hội của kiến trúc, sự phát triển cách sinh hoạt của con người mới trong nền văn hóa mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, trên nền tảng sinh thái địa lý của đất nước và từng vùng lãnh thổ với nhiều dân tộc anh em
Quy hoạch phân bố dân cư trên lãnh thổ đất nước nhằm khắc phục sự cách biệt cơ bản giữa thành thị và nông thôn được thực hiện trên những nguyên tắc xã hội chủ nghĩa. Từ đó, các giai đoạn cải tạo, phát triển các điểm dân cư ở thành thị và nông thôn mang sắc thái cải cách cuộc sống của con người Việt Nam gồm tất cả các dân tộc anh em trên tất cả các vùng lãnh thổ.
Chúng ta còn phải làm rõ cơ sở lý luận hình thành những tổ chức ở xã hội chủ nghĩa kiểu Việt Nam dưới ánh sáng quy luật phát triển gia đình, lối sống mới và nền văn hóa mới Việt Nam, trong đó các kiểu nhà ở mới được thực hiện cùng với các công trình phục vụ đời sống công cộng như nhà trẻ, mẫu giáo, nhà trường, nhà văn hóa, cửa hàng bách hóa v.v... nhằm đảm bảo đời sống hàng ngày của người lao động trong đó có yêu cầu đảm bảo giáo dục tốt thiếu nhi và giải phóng phụ nữ.
Chúng ta còn phải làm rõ hướng khắc phục những mâu thuẫn giữa lối sống của từng cộng đồng người, từng dân tộc trên từng vùng lãnh thổ cụ thể với yêu cầu tổ chức đời sống mới của nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa. Ở đây phải thấy rõ tác động của các điều kiện kinh tế địa lí tự nhiên, trong đó khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, gió mùa của đất nước là đặc điểm quyết định nhiều mặt của kiến trúc. Mặt khác các vật liệu xây dựng truyền thống, các ngành nghề tiểu công nghiệp truyền thống làm cho kiến trúc dân gian, kiến trúc của từng tộc người chứa đựng những đặc điểm gốc gác của tính dân tộc trong kiến trúc.
Đáp ứng các yêu cầu nói trên là công việc thường xuyên, lâu dài và cần làm ngay. Đó chính là thực hiện tính dân tộc trong sáng tạo kiến trúc.
Tuy nhiên, tính riêng biệt của kiến trúc một dân tộc luôn được bảo vệ và phong phú hơn. Mỗi giai đoạn phát triển đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng những đặc điểm đó. Vì vậy, trong khuôn khổ sáng tạo tính dân tộc của một công trình kiến trúc còn đòi hỏi hiện đại, nghĩa là yêu cầu đáp ứng điều kiện mọi mặt của đời sống văn hóa mới.
Tính dân tộc trong kiến trúc không phải chỉ có ở những giải pháp kiến trúc, những hình khối và những mô típ trang trí mặc dù quen thuộc của một tộc người. Đưa một ít mô típ trang trí Nga vào các thức cổ điển ( I - ô - ních hay Co - ranh) không phải là đã làm nổi giá trị nghệ thuật dân tộc trong kiến trúc Nga. Việc này đã diễn ra trong các thập kỷ 40, 50. Chủ nghĩa phục cổ, chủ nghĩa chiết trung của trào lưu kiến trúc các thập kỷ này, ở Liên Xô, đã được phê phán và uốn nắn.
Cho nên phải phân biệt sự khác nhau giữa vốn dân tộc chân thực và phong cách trong kiến trúc một thời đại. Cái vốn chân thực đó, nhiều nhà kiến trúc cho rằng kiến trúc dân gian đáp ứng một phần quan trọng cho nên đã tốn nhiều công phu tìm hiểu để khai thác vốn kiến trúc và nghệ thuật tạo hình dân gian nhằm góp phần sáng tạo kiến trúc dân tộc.
Chỉ giáo của Lê-Nin về hai nền văn hóa giúp ta nhận thức đúng đắn sự phát triển của tính dân tộc với thành quả quốc tế của kiến trúc. Sự phát triển kiến trúc dân tộc không tiến hành đơn độc trong hoàn cảnh phát triển kinh tế và văn hóa của loài người. Nó làm cho nền văn hóa các dân tộc thêm phong phú. Nó phá vỡ ngăn cách dân tộc. Nó tạo điều kiện cho sự tham gia của từng dân tộc vào những tiến bộ chung của loài người. Lê Nin viết về xu hướng chung của lịch sử loài người quan hệ với nền sản xuất lớn dẫn đến "rạn nứt hàng rào dân tộc, mờ nhạt dần những khốc liệt của dân tộc, hòa đồng các dân tộc lớn mạnh lên từng thập kỷ và tạo ra một trong những động lực kì vĩ biến chủ nghĩa tư bản thành chủ nghĩa xã hội". (Lê Nin toàn tập, tập 20, trang 12 Nga văn).
Tuy nhiên phải thấy rằng các nước phát triển với trình độ khác nhau. Thí dụ: Có nước tư bản với trình độ cao về công nghiệp, có nước trước là thuộc địa hay lệ thuộc châu Á nay đã trở thành một nước XHCN. Ở các nước như nước ta, vấn đề dân tộc, kế thừa vốn dân tộc đặt ra gay gắt hơn. Tính dân tộc trong kiến trúc ở nước ta là một đòi hỏi có tính quyết định, trên cơ sở trình độ hiện tại của nền kinh tế và văn hoá xã hội Việt Nam.
Nhắc đến vị trí của kiến trúc trong sự nghiệp phát triển của lực lượng sản xuất và khẳng định tác động của tiến bộ khoa học kĩ thuật đến kiến trúc là khẳng định tính hiện đại của kiến trúc, khẳng định một đặc tính của kiến trúc.
Điều cần hết sức quan tâm là tính dân tộc của kiến trúc, nhất là trong hoàn cảnh nước ta. Khi nói đến tính dân tộc, phải chỉ rõ yêu cầu hiện đại hóa truyền thống dân tộc. Nền kiến trúc dân tộc Việt Nam phải hiện đại. Đạt vấn đề như vậy dẫn đến đòi hỏi củng cố nhận thức của người sáng tác kiến trúc để phấn đấu tìm hiểu và sáng tạo nền kiến trúc dân tộc Việt Nam. Vấn đề nghiên cứu khoa học và kiến trúc, đào tạo kiến trúc sư, cần phải có những hoạt động thích hợp.
Phải chăng đặt vấn đề kiến trúc trước tiên cần có tính hiện đại là nói "phò mã phải tốt áo"?
Hậu quả của sự mờ nhạt tính dân tộc trong kiến trúc của ta, trên các vùng lãnh thổ từ Bắc chí Nam, phải chăng là do nhấn mạnh tính hiện đại? Đi tìm cách làm cho "phò mã tốt áo" phải chăng ở một số nơi đã có hiện tượng "tiếp thu" những hình thức kiến trúc mới của nước ngoài đăng trên các tạp chí?
Đặt vấn đề kiến trúc trước tiên cần có tính hiện đại thì dẫn đến khả năng cho rằng thứ yếu là tính dân tộc. Có thể quan niệm như vậy là sai lầm? Tuy nhiên, hãy thử xem những hoạt động gì cho tới nay chứng minh rằng các nhà sư phạm đào tạo kiến trúc sư, các chương trình nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận, các cố gắng sáng tạo của kiến trúc sư các lứa tuổi, đã quan tâm đến tìm hiểu, đánh giá, giảng dạy và sáng tác trên tinh thần làm nổi rõ và phát triển truyền thống dân tộc trong kiến trúc.
Đặt cho đúng chỗ, đúng tầm vóc của khái niệm dân tộc và hiện đại là cần thiết để chỉ đạo sáng tác kiến trúc. Nên chăng đặt vấn đề để thảo luận là: "Khai thác và phát triển truyền thống dân tộc trong kiến trúc" hoặc "Khai thác và hiện đại hóa truyền thống dân tộc trong kiến trúc?”.